Sớm ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

(Baohatinh.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường, Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã tham gia góp ý một số nội dung về dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Sớm ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, các báo cáo của Bộ Công an, báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về dự án Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cho biết: Trước Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã tổ chức khảo sát thực tế tại Trại giam Xuân Hà của Bộ Công an đóng trên địa bàn tỉnh và qua nghiên cứu báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, số lượng phạm nhân vào trại chấp hành án trên toàn quốc gia tăng (năm 2010 có khoảng 96.500 phạm nhân thì đến nay các trại giam đang quản lý giam giữ 138.335 phạm nhân, tăng hơn 140%, trong đó phạm nhân nữ là 15.452, phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy chiếm gần 35%, phạm nhân là người chưa thành niên là 813).

Cả nước hiện có 24/54 trại giam với 159 cơ sở tổ chức lao động cho phạm nhân trong trại giam với một số ngành nghề đơn giản, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thủ công, lao động chân tay, sơ chế nông sản, chăn nuôi. Bên cạnh đó, hầu hết các trại giam của Bộ Công an đóng trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, giao thông không thuận lợi, diện tích đất nhỏ, phân tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt. Do đó, các tổ chức, cá nhân mặc dù có nhu cầu lớn về nguồn lao động nhưng ngần ngại khi xem xét đầu tư lâu dài mà chỉ phối hợp với thời hạn ngắn những ngành nghề mang tính thời vụ.

Vì vậy, theo đại biểu, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết trong tình hình hiện nay, tạo hành lang pháp lý, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự phù hợp theo định hướng cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta, tạo điều kiện tổ chức cho phạm nhân thường xuyên có môi trường lao động tiêu chuẩn, có dây chuyền sản xuất sát với yêu cầu thị trường.

Sớm ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Quốc hội thảo luận tại hội trường (Ảnh: Đình Trọng - Thúy An).

Đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cơ bản đã tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan bộ, ngành, về nguyên tắc thực hiện thí điểm trong Nghị quyết đã bao quát đầy đủ quan điểm chỉ đạo cũng như các yêu cầu đặt ra, phù hợp với các luật tương ứng và điều ước quốc tế có liên quan.

Tuy nhiên, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu cho rằng: trong 11 trường hợp không đưa ra khu lao động hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam có phạm nhân là người dưới 18 tuổi. Nhưng, theo quy định tại Điều 71, Luật Thi hành án hình sự và Điều 6, Nghị định 49/2020 của Chính phủ hướng dẫn quy định về tái hòa nhập cộng đồng quy định: “Phạm nhân là người dưới 18 tuổi, Ban giám thị trại giam phải tạo điều kiện và hướng dẫn cho phạm nhân lựa chọn đăng ký học nghề”, “….được ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao tay nghề để có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng”. “Những lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi phải là mối quan tâm hàng đầu được ghi nhận tại Điều 3 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên”. Vì vậy, để bảo đảm chính sách pháp luật hình sự đối với người chưa thành niên, đó là hướng thiện, nhân đạo, thân thiện, đại biểu đề nghị cân nhắc đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên tham gia lao động hướng nghiệp và học nghề ngoài trại giam.

Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được thông qua sẽ tác động tích cực đối với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý giáo dục, cải tạo phạm nhân, giúp phạm nhân có cơ hội tiếp cận môi trường lao động thực tế, tăng cường kỹ năng, trình độ lao động, có thêm kinh tế trang trải cuộc sống, thuận lợi sau khi hết thời hạn thi hành án tái hoà nhập cộng đồng. Đồng thời, thể hiện tính nhân văn trong thực hiện chính sách pháp luật hình sự của Nhà nước ta.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết, đại biểu đề nghị Chính phủ giao Bộ Công an kịp thời rà soát các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, có ngành nghề phù hợp, hợp tác với trại giam, chủ động đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm khu quản lý giam giữ phạm nhân, bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Chính thức thông xe kỹ thuật 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chính thức thông xe kỹ thuật 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Sáng 19/4, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp tổ chức lễ khởi công, khánh thành đồng thời trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn. Điểm cầu Hà Tĩnh diễn ra ở nút giao QL8A (Km479+300) thuộc xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ với lễ thông xe tuyến Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng.
Tập trung rà soát, hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Tập trung rà soát, hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm yêu cầu quá trình hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã cần bám sát yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thận trọng, có chọn lọc, phù hợp thực tiễn; đảm bảo hài hòa giữa kế thừa, ổn định và đổi mới, mở rộng không gian phát triển...
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố

Đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố ở Hà Tĩnh có vai trò quan trọng, là cầu nối đưa các chủ trương, chính sách đến với Nhân dân. Dù vậy, bên cạnh những cán bộ năng nổ, nhiệt tình cũng còn không ít bất cập, nhất là chất lượng của một số cán bộ thôn, tổ dân phố chưa đáp ứng yêu cầu.
Dự kiến tên gọi của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, hợp nhất

Dự kiến tên gọi của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, hợp nhất

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, ngày 12/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.