Ảnh minh họa.
PGS.TS Vũ Đức Định - nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E cho biết: Hầu như tất cả các nguyên nhân gây đột quỵ ở người già đều có thể gặp ở người trẻ. Trong đó, tăng huyết áp là bệnh lý gây đột quỵ não thể xuất huyết não thường gặp nhất ở người già nhưng hiện nay cũng gặp với tần suất khá cao ở người trẻ. Huyết áp tăng cao thường xuyên không được kiểm soát là nguy cơ hàng đầu làm vỡ mạch và xuất huyết não. Đây là loại đột quỵ não có tỷ lệ tử vong và tàn phế cao.
Thống kê cho thấy, xấp xỉ 30% đột quỵ não ở người dưới 45 tuổi có bệnh lý tăng huyết áp. Bên cạnh đó, đái tháo đường là loại bệnh lý ngày càng hay gặp và tỷ lệ này cũng không hề thấp ở người trẻ. Đường huyết tăng cao dẫn đến rất nhiều biến chứng trong đó có biến chứng về mạch máu. Đột quỵ não do tim cũng là bệnh lý hay gặp ở người trẻ. Nhóm nguyên nhân do tim, bao gồm các bệnh lý của tim tạo các cục huyết khối trong các buồng tim, sau đó di chuyển lên não và gây tắc mạch não. Điển hình trong số đó là các bệnh tim như hẹp hai lá, suy tim, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp hoàn toàn.
Xơ vữa động mạch là nguyên nhân gây đột quỵ rất ít gặp ở người dưới 35 tuổi, nhưng nguy cơ này tăng dần lên theo tuổi và cũng có thể gặp đột quỵ não ở độ tuổi từ 35-45 tuổi. Các nguyên nhân nói trên kết hợp với các yếu tố nguy cơ, như nghiện thuốc lá, rượu, tình trạng béo phì, sử dụng các chất ma túy, chế độ ăn uống không khoa học (nhiều chất béo, đường, ít rau xanh và hoa quả tươi)… làm tăng khả năng bị đột quỵ não ở tuổi dưới 45.
“Ở người trẻ, khi đột quỵ đã xảy ra thì cho dù bệnh nhân có qua khỏi cũng để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến cuộc sống sau đó. Đặc biệt, những người trẻ tuổi nên tuân thủ một chế độ ăn khoa học: “bốn ít”: ít đường, ít mỡ, ít thịt, ít muối và tăng cường ăn rau tươi, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt)” - ông Định cho hay.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai nêu thực trạng: “Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai, nếu không được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”, hậu quả do đột quỵ rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong khoảng 10 - 20%. Những người sống sót phải chịu cảnh tàn phế chiếm gần 30% và chỉ khoảng 30% người bị đột quỵ có thể trở về cuộc sống bình thường. Thế nhưng, sai lầm phổ biến trong sơ cứu đột quỵ ở nước ta là để người bệnh nằm ở nhà nghỉ ngơi, chờ đợi cơ thể tự hồi phục thay vì đưa ngay tới bệnh viện.
Các bác sĩ nhấn mạnh, “thời gian vàng” để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là trong khoảng 3-4 giờ đầu sau khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên và được cấp cứu bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch; hoặc trong 24 giờ đầu với phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (tùy thuộc vùng não tổn thương) đối với các bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não. Do vậy, người nhà cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được cấp cứu khi xuất hiện các dấu hiệu, như nói ngọng, méo miệng, lệch một bên mặt, đau đầu, choáng váng… đồng thời ghi nhớ thời điểm này để thông tin lại cho bác sĩ.