Thảo dược, nhìn từ nobel y học 2015

Ngày 5/10 vừa qua, Hội đồng Nobel công bố giải thưởng Nobel Y học năm 2015 được trao cho 3 nhà khoa học: William C Campbell (Ireland), Satoshi Omura (Nhật Bản) và Tu Youyou (Trung Quốc).

Hai nhà khoa học: Campbell và Osuma được vinh danh bởi đã tìm ra thuốc điều trị hiệu quả “bệnh mù sông” (bệnh giun chỉ ở da và mô liên kết) và bệnh giun chỉ bạch huyết (phù chân voi). Hai người nhận một nửa giải thưởng (tổng giải khoảng 960.000 USD).

Thảo dược, nhìn từ nobel y học 2015 ảnh 1

Ông Satoshi Omura tới từ Nhật Bản và bà Youyou Tu từ Trung Quốc đã được trao giải Nobel Y học cho những phát hiện của họ trong việc điều trị các ký sinh trùng.

Nửa giải thưởng còn lại vinh danh nhà khoa học Tu Youyou, người đã dùng cây Artemisia annua (thanh cao hoa vàng, thanh hao hoa vàng) để điều chế thuốc Artemisinin điều trị sốt rét. Hội đồng Nobel cho biết: sốt rét là bệnh gây ảnh hưởng đến một nửa dân số thế giới, khoảng 3,4 tỉ người và hàng năm khiến hơn 450.000 người tử vong. Đến những năm cuối của thập niên 60, thế kỷ 20, các thuốc thường dùng để điều trị sốt rét là chloroquine hay quinine gần như không còn hiệu quả và loại bệnh này có nguy cơ bùng phát. Đây là lý do để nhà nữ khoa học Tu Youyou quay lại với thảo dược, tìm vũ khí mới chống lại căn bệnh sốt rét quái ác. Và thuốc Artemisinin do bà tìm ra hiện đã được khắp thế giới sử dụng; chỉ tính riêng châu Phi, hàng năm có hơn 100.000 người cứu sống bởi thuốc này.

Trên thực tế, cây thanh cao hoa vàng đã được y học truyền thống sử dụng chữa bệnh sốt từ rất lâu, trong đó có sốt rét. Sự nghiên cứu của bà Tu Youyou về cây thanh cao hoa vàng là sự kế thừa kinh nghiệm dân gian, y học cổ truyền và soi sáng bằng y học hiện đại với việc tìm ra hoạt chất Artemisinin có tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét.

Theo GS.TS. Đỗ Tất Lợi (trong Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam), công trình nghiên cứu ra hoạt chất Artemisinin từ cây thanh cao hoa vàng của Trung Quốc được thực hiện từ năm 1972 (chỉ mấy năm sau thời kỳ các loại thuốc chloroquine hay quinine gần như không còn hiệu lực). Sau đó, năm 1979, Việt Nam cũng phát hiện loài cây nay có Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… Sau đó nữa, Việt Nam đã có những công trình nghiên cứu về cây này và công bố trên các tạp chí khoa học.

Sơ qua vài nét về lịch sử nghiên cứu cây thanh cao hoa vàng, loài cây đã “đồng hành” với Tu Youyou với kết thúc có hậu là giải Nobel danh giá để thấy thảo dược chưa bao giờ bị lãng quên, bên cạnh các sản phẩm hóa dược tổng hợp.

Nói như vậy, bởi lẽ Việt Nam là một nơi thuận lợi để các thảo dược phát triển, với 12.000 loài thực vật, trong đó có khoảng 4.000 loài có thể làm thuốc, với bề dày kinh nghiệm sử dụng, nghiên cứu cây thuốc từ rất lâu đời, là tiền đề để thảo dược phát huy, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Tuy nhiên, hiện việc trồng cây thuốc, phát triển, nghiên cứu dược liệu của nước ta chưa thực sự xứng với tiềm năng. Hầu hết các cơ sở chẩn trị Đông y vẫn phụ thuộc vào thuốc Bắc, nhập khẩu từ Trung Quốc, những vườn thuốc nếu có cũng chỉ với số lượng ít chỉ đủ tự cung tự cấp hoặc cung ứng thị trường nội địa chứ ít được xuất khẩu bằng con đường chính thức. Cây thuốc ở rừng ngày càng cạn kiệt do nạn phá rừng và nạn khai thác thuốc bừa bãi, nhiều cây thuốc đã phải vào sách đỏ…

Hy vọng, giải Nobel Y học 2015 có thể là “cú hích” cần thiết cho những người nghiên cứu y học cổ truyền nói chung, thảo dược nói riêng, của Việt Nam, giúp các nhà nghiên cứu có niềm tin mạnh mẽ hơn nữa về khả năng trị bệnh của các cỏ cây Việt Nam, như niềm tin của Danh y Tuệ Tĩnh - “Ông Thánh thuốc Nam”: Nam dược trị Nam nhân. Để từ đó, có những nghiên cứu có giá trị lớn tầm quốc tế và có kế hoạch trồng, bảo tồn, phát triển cây cỏ làm thuốc.

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast