Thực hư bài thuốc “Minh Mạng thang”

(Baohatinh.vn) - Nền Đông y Việt Nam là một nền y học hàn lâm, là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam, mang tính thừa kế. Các thầy thuốc đông y ngày xưa là những học giả uyên bác, nhất là những thầy thuốc được vào trong triều để phục vụ vua chúa.

Đó phải là những người uyên bác về “nho, y, lý, số”, nhưng đặc biệt chuyên sâu về y học (đông y). Họ để lại cho đời sau những kinh nghiệm quý về phương pháp chữa bệnh, những bài thuốc có giá trị.

Sau khi giải phóng miền Nam, tôi đã vào Huế để tìm hiểu hai cụ ngự y thời Nguyễn, nhưng điều kiện lúc ấy không cho phép gặp các cụ. Gần đây, châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tôi rất mừng. Nhiều châu bản của triều Nguyễn được công bố. Tôi mong rằng, chúng ta sẽ tìm ra những bài thuốc có giá trị do các thầy thuốc đông y trong triều đình nhà Nguyễn để lại, để thế hệ hôm nay và mai sau nghiên cứu, học tập.

Thực hư bài thuốc “Minh Mạng thang” ảnh 1

Ảnh minh họa từ internet

Gần đây, tạp chí “Cây thuốc quý” số xuân Ất Mùi (2015) có đăng bài của tác giả Nguyễn Thị Dương “Về bản điều trần xin dùng nam dược thay thế bắc dược” của Thái Khắc Tuy - một quan tri phủ dưới triều vua Tự Đức 32 (1879), hé lộ một vấn đề mới cho nền dược liệu Việt Nam hôm nay. Tôi tin rằng, các nhà nghiên cứu lịch sử sẽ tìm ra được bài thuốc Minh Mạng thang đích thực để công bố. Còn bài thuốc Minh Mạng thang bấy lâu nay đồn thổi không phải là bài đích thực. Có sự nhầm lẫn hoặc ngộ nhận.

Những năm 80-90 của thế kỷ trước, Viện Nghiên cứu Đông y T.Ư (nay là Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư) nghiên cứu và sản xuất ra rượu Minh Mạng thang thì không phải là bài Minh Mạng thang. Lúc đó, tôi đã viết bài đăng trên Báo Hà Nội mới, nói rõ một phần nhưng chưa cụ thể. Đó là bài thuốc của Mao Chủ tịch tặng Hồ Chủ Tịch. Bài thuốc gồm: bắc sa sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo, tần giao, đương quy, xuyên khung, bạch thược, thục địa, phòng phong, tục đoạn, hà thủ ô, cẩu kỷ tử, đại hồi, nhục quế, hắc táo nhân, đại táo, độc hoạt, mộc qua, đỗ trọng, khương hoạt, trần bì, ngưu tất. Nhưng liều lượng thì không đúng.

Thực chất đây là bài Độc hoạt tang ký sinh. Bỏ tang ký sinh, tế tân, thay nhân sâm bằng bắc sa sâm, xích thược bằng bạch thược, sinh địa bằng thục địa. Gia thêm các vị: bạch truật, tục đoạn, hà thủ ô, cẩu kỷ tử, đại hồi, táo nhân, đại táo, mộc qua, khương hoạt, trần bì. Nếu phân tích kỹ tính vị quy kinh, công dụng, chủ trị của từng vị thuốc thì bài thuốc trên không phải là bài “Bổ thận tráng dương sinh tinh” để vua Minh Mạng uống vào có tác dụng “Nhất dạ ngũ giao sinh lục tử”. Đây là bài thuốc dùng để điều trị bệnh của một người cao tuổi có chứng phế nhiệt, đau nhức mỏi toàn thân, do khí huyết lưu thông kém. Vì sao tác giả bài thuốc lại lấy bắc sa sâm để thay nhân sâm?

Theo chúng tôi hiểu, vị bắc sa sâm quy vào kinh phế và kinh vị, có tác dụng nhuận phế, chỉ ho, dưỡng vị, sinh tân dịch, trị chứng phế nhiệt sinh ho, âm hư tân dịch kém, hay khô miệng để làm vị quân trong bài. Vì người này khí huyết vẫn bình thường nhưng do tuổi cao, sự lưu thông của khí huyết kém, nên không cần đại bổ khí mà chỉ cần dưỡng âm sinh tân làm mát phế nên mới dùng bắc sa sâm để thay thế nhân sâm.

Về lai lịch của bài thuốc: có lẽ một số người còn nhớ khoảng năm 1980-1992, các đoàn của Việt Nam ra nước ngoài thường đi qua Băng-cốc (Thái Lan). Nhiều hiệu thuốc của Hoa kiều ở Thái Lan bán gói thuốc bắc đẹp bên trong có kèm công thức, nhãn ghi là bài thuốc “Mao Chủ tịch tặng Hồ Chủ Tịch”. Không biết họ lấy bài thuốc đó từ đâu. Nhân đây, chúng tôi xin nói rõ như sau: năm 1967, nhân dịp sinh nhật lần thứ 77, Bác Hồ qua sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Mao Chủ tịch gửi tặng Bác bài thuốc trên và hai câu đối. Bài thuốc trên là đúng, nhưng liều lượng thì khác.

Nguyên bản bằng chữ Hán như sau: các vị bắc sa sâm, thục địa, hắc táo nhân đều 1,5 đồng cân. Các vị phục linh, bạch truật, cam thảo, tần giao, đương quy, xuyên khung, bạch thược, hà thủ ô, đều 1,3 đồng cân. Các vị phòng phong, tục đoạn, cẩu kỷ tử, đại hồi, đại táo, độc hoạt, mộc qua, đỗ trọng, khương hoạt, trần bì, ngưu tất đều 1,2 đồng cân. Nhục quế 1,1 đồng cân. Nếu quy ra gam thì không phải như bài thuốc Minh Mạng thang mà một vài tác giả đã công bố trong bài cho là Minh Mạng thang. Lúc đó, chúng tôi đã đem bài thuốc hỏi một số chuyên gia về Trung y của Trung Quốc. Họ nói rằng: “Bài thuốc này không có gì lạ, nhưng liều lượng thì người Trung Quốc chưa ai dùng như thế này. Đây là bài thuốc trị phong thấp của người già, nhưng phế nhiệt. Bài thuốc có tác dụng trừ phong thấp lưu thông khí huyết, để ăn ngon miệng, điều hòa giấc ngủ”.

TTND. BS cao cấp NGUYỄN XUÂN HƯỚNG

Nguyên Chủ tịch T.Ư Hội Đông y Việt Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast