Lần theo những câu chuyện được kể lại trong những công trình nghiên cứu về Nguyễn Công Trứ, tôi trở lại chùa Cảm Sơn dưới chân núi Nài. Núi tuy nhỏ và trông xa chỉ như một hòn non bộ với chiều cao hơn mực nước biển chừng 23m nhưng vẫn toát lên vẻ trầm mặc, uy nghi. Núi còn trở nên huyền hoặc hơn khi “sở hữu” nhiều công trình văn hóa. Phía Tây núi Nài có miếu nhỏ Cảm Lĩnh thờ sơn linh, phía Tây Nam có chùa Cảm Sơn. Chùa được xây dựng từ thời Lê để nhân dân thờ Phật. Núi Nài này từng được đánh giá là một trong “tỉnh thành bát cảnh” và là nơi mà con mắt tinh tường và tâm hồn sâu sắc của Nguyễn Công Trứ đã thấu tường được những giá trị văn hóa, tinh thần để lựa chọn làm nơi dừng chân rồi lấy cảm hứng để sáng tác và say sưa trên chiếu ca trù.
Dẫu hiện nay trong khu vực núi Nài, dấu tích mà Nguyễn Công Trứ để lại chỉ còn là một cột đá nhỏ trong khuôn viên Trường THCS Đại Nài nhưng trong những áng mây trắng tụ hội trên núi, trong những mạch đất âm thầm vẫn lưu lại cốt cách, tài năng và nhất là sự “ngất ngưởng” của một ông quan vừa rời triều. Tất cả những việc ông làm trong quá trình lưu lại ở chân núi Nài đều thể hiện khá rõ điều đó khi dám đưa cô đầu lên chùa và hát ả đào, khi cưới một cô vợ bé ở tuổi 73, khi ông “ngất ngưởng” cưỡi bò đến dự tiệc Xuân Thủ của các quan Hà Tĩnh.
Sau hơn 300 năm được xây dựng, chùa Cảm Sơn ngày nay đã được trùng tu, tôn tạo thành một ngôi chùa lớn, là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân thành phố và các vùng phụ cận. Tôi không thể biết, trong ức triệu những người đã từng đến vãn cảnh chùa, có ai nhớ, ai quên, ai biết, ai chưa biết câu chuyện về Tướng công Nguyễn Công Trứ đã lưu lại ở đây. Nhưng với tôi, bất kỳ lúc nào bước chân trên dốc núi ấy cũng nghe vọng về từ sâu thẳm núi non tiếng đàn, tiếng phách, tiếng chầu “tom chát” và những réo rắt, ai oán, những lẳng lơ, tình tứ của điệu hát ca trù.
Từ trên non cao núi Nài, người ta cũng có thể ngắm nhìn sông Phủ. Sông bắt nguồn từ hệ thống sông Rào Cái, xưa là nơi thuyền bè ngược xuôi tấp nập, thông thương với Cửa Khẩu (Kỳ Anh), ngược ra Cửa Sót (Lộc Hà), qua Nghèn (Can Lộc) rồi nhập vào sông La, ngược lên miền Chu Lễ (Hương Khê), Phố Châu (Hương Sơn)… Sông cũng là nơi trước đây Nguyễn Công Trứ và phường hát Như Sơn (Đại Nài) tổ chức các thuyền hát ả đào dập dìu, say sưa. Chắc chắn, sông Phủ, núi Nài và các đào nương phường hát Như Sơn là một phần thi liệu trong các sáng tác hát nói nổi tiếng của Nguyễn Công Trứ mà ngày nay đã trở thành những bài hát ca trù được nhiều giáo phường sử dụng biểu diễn.
Trong khi đi tìm dấu tích của Nguyễn Công Trứ trên đất Đại Nài, tôi còn tìm thấy một mối duyên nữa khiến Nguyễn Công Trứ lựa chọn nơi này làm chốn dừng chân trong những ngày trí sĩ. Đó là một chi họ Nguyễn Công ở đây. Ông tổ của chi họ này và ông tổ chi họ của Nguyễn Công Trứ ở Uy Viễn (Nghi Xuân) là anh em ruột. Gia phả họ Nguyễn Công còn ghi rõ: Họ Nguyễn Công có nguồn gốc ở xã Cương Gián (Nghi Xuân). Ông tổ Nguyễn Nhất lang đậu Phó bảng, làm quan, giữ các chức tri huyện Nghi Xuân và phủ Đức Quang, sau thăng vào trấn thủ Phú Xuân, được phong tước hầu. Gia phả cũng ghi lại chuyện lúc cụ Nguyễn Công Trứ cáo quan, nhân dân Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình) ngỏ ý muốn rước cụ về nhưng cụ trả lời: “Tôi về ở chùa Nài, có ông bác làm quan ở Hà Tĩnh đạo, gần chùa”.
Ông Nguyễn Công Thu - hậu duệ đời thứ 9 của dòng họ Nguyễn Công cho biết: “Thế hệ chúng tôi lớn lên đã nghe cha ông kể nhiều chuyện về cụ Nguyễn Công Trứ với niềm tự hào và sự gần gũi. Thuở cụ về tĩnh dưỡng ở núi Nài, trong họ chúng tôi có bác Đầm, bác Đài, bác Đằng lên chùa Nài giúp việc và được cụ dạy học để đi thi Hương. Tuy không ai đậu nhưng đều đã học được cái cốt cách của cụ để truyền dạy cho con cháu. Nhờ đó mà dòng họ chúng tôi không ngừng lớn mạnh, trong thời phong kiến, nhiều người đỗ đạt làm quan, trong thời chiến cũng đóng góp công sức cho Tổ quốc. Hiện nay, con cháu dòng họ di tản ở nhiều nơi, đều học hành đỗ đạt và hàng năm đều trở về quê cha đất tổ để tưởng nhớ tiền nhân”.
Núi Nài, sông Phủ với vẻ đẹp thiên nhiên và những trầm tích văn hóa được kiến tạo nên bởi nhiều thế hệ cư dân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của dòng họ Nguyễn Công là nguồn cảm hứng văn, thơ, nhạc cho biết bao nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ. Theo đó, người dân Đại Nài luôn luôn tự hào về các tác giả Cẩm Lai, Văn Linh, Hồ Tôn Trinh… với những tác phẩm văn thơ nổi tiếng, được yêu thích. Trong đó, không chỉ nét đẹp mộc mạc, dung dị của thiên nhiên mà cả tinh thần chiến đấu lạc quan, anh dũng của người dân địa phương và những trận đánh oai hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng được miêu tả rất sinh động.
Quang cảnh khu vực núi Nài bị chiến tranh tàn phá năm 1975. Ảnh: Sỹ Ngọ
Nay đã trở thành một quần thể di tích, điểm văn hóa tín ngưỡng của người dân trong vùng. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Nếu như núi Nài là nơi cư trú của người tiền sử, là đồn binh trong các trận chiến lịch sử thì sông Phủ, cầu Phủ là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt trong chiến tranh chống Mỹ. Cách đây 53 năm, nhân dân Hà Tĩnh đã làm nên trận đầu thắng Mỹ oanh liệt ở đây (26/3/1965). Tinh thần ấy đã được thi sỹ thơ mới Lưu Trọng Lư ghi lại trong những vần thơ vừa thơ mộng, vừa rắn rỏi: “Lối đi phẳng dấu đạn cày/ Hố bom thành giếng đã đầy nước mưa/ Cá nuôi tăm gợn mép bờ/ Mùa thu vừa gọn, rạ vừa đưa hương/ Nữ quân súng gác bên đường/ Con bò gặm cỏ dưới trăng xạc xào”.
Những “nữ quân” của đội nữ dân quân Đại Nài với 10 cô gái anh dũng giờ đây người còn người mất. May mắn thay, Tiểu đội trưởng Lê Thị Yên hiện vẫn còn sống cùng con cháu trong căn nhà nhỏ dưới chân núi Nài. Dẫu tuổi đã cao, tóc đã bạc, nhiều ký ức đã rơi vào quên lãng nhưng bà vẫn không quên trận đầu thắng Mỹ và những cảm xúc lúc bấy giờ. Bà nói: “Lúc ấy, chúng tôi vui và xúc động lắm, vì dân di cư hết chỉ còn lại dân quân và bộ đội, chúng tôi đã chiến đấu vì ý thức tự hào, vì tình yêu sông núi”. Trong chuyến thăm đồng chí, đồng đội ở Nghĩa trang liệt sỹ Núi Nài, bà còn đọc cho tôi nghe bài vè “Thần Sấm ngã” và xúc động nhớ đồng đội năm nào.
Đại Nài với sông Phủ, núi Nài với chùa Cảm Sơn và những trầm tích văn hóa luôn là một chốn yên bình giữa lòng phố thị. Trong công cuộc xây dựng đô thị hiện nay, Đại Nài đang từng ngày được khoác lên những dáng vẻ mới. Dẫu vậy, những mạch ngầm vẫn âm thầm chảy trong nhịp điệu mới. Để trong những bước phát triển mới, người ta luôn tự hào về nền móng đã được kiến tạo từ quá khứ của cha ông…
Ảnh: Huy Tùng - Phong Linh
Sỹ Ngọ - Thanh Hải
Thiết kế: Huy Tùng