Chiều 23/4, Bộ Quốc phòng chính thức thông tin về vụ việc Su-22 gặp sự cố ở Yên Bái.
Cụ thể, vào lúc 14h29 ngày 23/4, Trung đoàn 921, Sư đoàn Không quân 371 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức bay huấn luyện bài không vực động tác giản đơn độ cao trung bình, máy bay Su-22M4, số hiệu 5858 do Phi công Trung tá Phan Thanh Hải thực hiện.
Lúc về hạ cánh, phi công báo càng không ra, xin phép xuống thấp để thả càng khẩn cấp.
Sau khi thực hiện, càng khẩn cấp ra tốt, tiến hành vào hạ cánh, máy bay tiếp đất chạy xả đà. Phi công tiến hành thả dù hãm đà theo quy định.
Tuy nhiên, do tốc độ hơi lớn, dù hãm đà bị đứt, máy bay vượt ra ngoài bãi hãm cuối đường băng. Phi công Phan Thanh Hải nhảy dù an toàn, máy bay hư hỏng nhẹ.
Hiện trường vụ việc |
Ngay sau khi nhận được thông tin, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã chỉ đạo Hội đồng Điều tra tai nạn điều tra, xác minh kết luận nguyên nhân.
Trước đó, tháng 7/2018, cường kích Su-22 số hiệu 8551 cũng của Trung đoàn không quân 921, Sư đoàn 371 đang trong quá trình thực hành diễn tập bắn ném cũng đã gặp tai nạn trên vùng trời Làng Dừa (xã Nghĩa Yên, H.Nghĩa Đàn, Nghệ An).
Su-22 là loại máy bay do Liên Xô (cũ) sản xuất; được trang bị động cơ tuốc bin phản lực Lyuka AL-21F3. Su-22 có thể đạt tốc độ tối đa 1.860 km/giờ, bán kính chiến đấu hơn 500 km, trần bay hơn 14 km, vận tốc leo cao 230 m/giây.
Cường kích Su-22 được thiết kế với với 2 pháo 30 mm (tốc độ 80 phát/phút) đặt ở 2 cánh, 2 giá treo dưới cánh mang 2 tên lửa đối không R-60 (tầm bắn 8 km) và 10 giá treo (6 đặt ở dưới cánh và 4 đặt trên thân máy bay).
Trong tấn công mục tiêu mặt đất, Su-22 có thể mang được bom, rocket. Riêng biến thể Su-22M4 mang được cả vũ khí có điều khiển gồm: tên lửa không đối đất Kh-23; tên lửa đối đất/chống radar Kh-25; tên lửa chống radar Kh-28; tên lửa đối đất/đối hải Kh-29 và bom có điều khiển bằng lade, quang học. Su-22M4 cũng có thể lắp các cụm ống phóng rocket từ cỡ nhỏ tới cỡ lớn.