Tác phẩm "Sự lụi tàn của đồng tiền" của tác giả James Rickards. |
James Rickards là một luật sư người Mỹ. Ông đã từng làm việc ở Phố Wall trong 35 năm. Trong năm 2009, Rickards đã từng phát biểu tại trường Đại học John Hopkins về chủ đề đồng USD đang đối mặt với vấn đề siêu lạm phát âm ỉ và dễ dàng chịu thương tổn trước các cuộc tấn công của các quốc gia khác thông qua việc dự trữ vàng và sự xuất hiện của đồng tiền quốc tế mới.
Với lối viết ngắn gọn và rõ ràng, James Rickards đã đưa ra quan điểm và phân tích của mình về hệ thống tiền tệ quốc tế trong cuốn sách Sự lụi tàn của đồng tiền. Thông qua những ví dụ dễ hiểu, tác giả đã đưa đến cho độc giả bức tranh toàn cảnh về nền tài chính thế giới.
Hệ thống tiền tệ quốc tế đã sụp đổ 3 lần trong 100 năm qua: 1914, 1939 và 1971. Mỗi lần sụp đổ lại kéo theo một thời kỳ hỗn loạn: chiến tranh, xung đột nội bộ hoặc những thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu. James Rickards, tác giả của Những cuộc chiến tranh tiền tệ (tựa gốc: Currency Wars: The Making of the Next Global Crisis) nổi tiếng, cho thấy một lần sụp đổ nữa đang tới gần và lần này, chính thể chế tiền tệ đang lâm nguy.
Đô-la Mỹ đã là đồng tiền dự trữ toàn cầu kể từ sau Thế chiến thứ hai. Nếu đồng đô-la sụp đổ thì toàn bộ hệ thống tiền tệ quốc tế cũng sẽ sụp đổ theo và không có đồng tiền nào có sức mạnh cùng tính thanh khoản đủ để thay thế nó.
Những người lạc quan luôn cho rằng niềm tin vào đồng đô-la sẽ không bao giờ lung lay, dù khoản nợ của Mỹ có cao đến thế nào đi nữa hay chính phủ làm ăn tồi tệ ra sao. Nhưng trong vài năm trở lại đây, rủi ro đang ở mức báo động. Trong khi Washington đang bế tắc và không có tiến triển gì trong việc xử lý các vấn đề dài hạn của đất nước, những đối thủ lớn nhất của họ - Trung Quốc, Nga và các nước sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông – đang tìm mọi cách để kết thúc sự bá chủ về tiền tệ của Mỹ. Những hậu quả có thể xảy ra: chiến tranh tài chính, giảm phát, siêu lạm phát, thị trường sụp đổ.
Trong Sự lụi tàn của đồng tiền, Rickards đã đưa ra những phân tích sâu sắc về các vấn đề trên cũng như những mối đe dọa với đồng đô-la Mỹ. Tiền bạc và sự giàu có là hai vấn đề khác biệt. Tiền chỉ mang tính tạm thời và sẽ trở nên vô giá trị nếu các ngân hàng trung ương cùng các chính trị gia không chịu thay đổi. Nhưng sự giàu có là vĩnh viễn và hữu hình, có giá trị trên toàn thế giới.
Tác giả cho thấy những người dân bình thường ngày ngày đầu tư và gửi tiết kiệm chính là những chú chuột bạch trong phòng thí nghiệm của ngân hàng trung ương. Những người chơi lớn - chính phủ các nước, các ngân hàng lớn, các thể chế đa phương - sẽ ngày ngày nghĩ ra những luật chơi mới. Nạn nhân thực sự trong lần khủng hoảng tiếp theo là những nhà đầu tư nhỏ, những người luôn nghĩ rằng những thứ hữu hiệu trong nhiều năm thì đến nay vẫn sẽ như vậy.
May thay, vẫn còn chưa muộn để chuẩn bị cho sự lụi tàn trong tương lai của đồng tiền. Rickards đã giải thích sức mạnh của việc biến đồng tiền không vững chắc thành những tài sản khác như là vàng, bất động sản, các tác phẩm nghệ thuật… Như ông đã viết: “Sự sụp đổ của đồng đô-la và hệ thống tiền tệ là hoàn toàn tính trước được. Chỉ những quốc gia và cá nhân nào chuẩn bị sẵn sàng ngay hôm nay thì mới sống sót được qua cơn cuồng phong đang ập đến.”