Theo báo cáo, năm 2018, toàn tỉnh đã thành lập 758 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATVSTP, kiểm tra 13.177 lượt, xử phạt vi phạm hành chính 1.278 cơ sở (chiếm tỷ lệ 10,3%), số tiền phạt gần 2 tỷ đồng, tiêu hủy lượng hàng hóa vi phạm về ATTP có giá trị hơn nửa tỷ đồng.
Đồng thời, trong năm qua, các ngành chức năng và địa phương đã tiến hành lấy 6.466 mẫu thực phẩm, dụng cụ chứa đựng, nguyên liệu chế để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm; kết quả có 385/6.466 mẫu không đạt, chiếm 5,9%.
Ông Phan Văn Hùng – Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế Hà Tĩnh): Công tác kiểm nghiệm tại tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của địa phương do thiếu trang thiết bị và con người, đang trong quá trình xây dựng ISO 17025.
Ngoài ra, ngành NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra, đánh giá xếp loại các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và kinh doanh nông lâm thủy sản theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT. Lũy kế đến tháng 12/2018 đã kiểm tra được 2.126 lượt cơ sở; trong đó 848 cơ sở đạt loại A, 1.216 cơ sở đạt loại B và 62 cơ sở đạt loại C.
Giám đốc sở Công Thương Hà Tĩnh Hoàng Văn Quảng: Tiếp tục rà soát tình hình bảo đảm ATVSTP tại các chợ trên địa bàn tỉnh; xem xét hỗ trợ về vốn và kỹ thuật để các hộ kinh doanh xây dựng cơ sở sản xuất đảm bảo ATVSTP.
Năm 2018, toàn tỉnh đã cấp 813 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 2.259 giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; 05 giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn…
Ông Trần Tuấn Nghĩa - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh: Cần có biện pháp để quản lý tình trạng giết mổ gia cầm quy mô hộ gia đình trong khu dân cư tại TP Hà Tĩnh
Quyền Cục trưởng Cục QLTT Hà Tĩnh Nguyễn Cự Dũng: Nhiều hình thức kinh doanh khó kiểm soát như bán hàng trực tuyến, bán hàng đa cấp, bán hàng rong... Thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, gây khó khăn trong công tác phát hiện và xử lý
Tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực thị trường nhất là hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, vấn đề ATVSTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế.
Đặc biệt, hoạt động của các cơ sở giết mổ tập trung kém hiệu quả, chưa quản lý được đầu vào; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP còn thấp; số lượng lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên việc kiểm soát khó khăn…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải ghi nhận những nỗ lực của các ngành chức năng trong công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh trong năm 2018.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường diễn biến ngày càng phức tạp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải nhấn mạnh, công tác QLTT, đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng và vấn đề ATVSTP thời gian tới cần sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp. Đặc biệt, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, cần bố trí lực lượng, thành lập các đoàn liên ngành để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong vệ sinh, xuất xứ hàng hóa, thực phẩm.
Đồng thời, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng yêu cầu, trong năm 2019, các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hàng hóa, ATTP cần được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự răn đe cho xã hội. Đồng thời, các ngành chức năng cần đặc biệt chú ý đến các hoạt động sản xuất theo chuỗi và thực hiện quản lý quy trình SX-KD, nhất là ở lĩnh vực giết mổ, chợ và các cơ sở sản xuất, chế biến.