Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 8/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh điều hành phiên thảo luận tổ gồm ĐBQH các tỉnh: Lai Châu, Cà Mau, Lâm Đồng và Hà Tĩnh.
Liên thông, tiết kiệm, hiệu quả trong phòng, chống ma túy
Thảo luận tại tổ, các đại biểu khẳng định việc xây dựng Chương trình MTQG phòng, chống ma túy đến năm 2030 là yêu cầu cấp bách và khách quan, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trước tình hình gia tăng phức tạp của tội phạm ma túy, đe dọa trực tiếp đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, góp phần hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy; bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng môi trường ổn định, an toàn, lành mạnh.
Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá tính phù hợp của chương trình với quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma tuý và hệ thống quy hoạch chung; bảo đảm nguồn lực chương trình; cơ cấu vốn các dự án thành phần; cơ chế đặc thù phân bổ vốn phù hợp với các địa phương khó khăn; lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực thực hiện, bảo đảm tính liên thông, tiết kiệm, hiệu quả.
Cần bổ sung cơ chế đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội; rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu sát với nhiệm vụ trọng tâm, khả năng đáp ứng của nguồn vốn đầu tư; bổ sung giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện ma tuý; xây dựng các khu chức năng, trong đó lưu ý lao động trị liệu và lao động sản xuất tại các cơ sở cai nghiện.
Tham gia thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH Hoàng Trung Dũng và các đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề nghị điều chỉnh một số tiêu chí của chương trình để phù hợp hơn với thực tiễn; trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị cho lực lượng chức năng phòng chống ma tuý; đánh giá tính khả thi, hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; chú trọng phân kỳ đầu tư và giải pháp duy trì quản lý, vận hành mô hình nhằm phát huy hiệu quả chương trình.
Rà soát phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động của dự án bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, huy động nguồn lực xã hội hoá, đề ra cơ chế khuyến khích địa phương tự cân đối, tăng chi ngân sách cho phòng, chống ma tuý; nâng cao hiệu quả cai nghiện ma tuý; xác định đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ cai nghiện; thực hiện chính sách hỗ trợ người sau cai nghiện hoà nhập cộng đồng, hỗ trợ học nghề giải quyết việc làm.
Đảm bảo hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp quảng cáo và người tiêu dùng
Góp ý Luật Quảng cáo sửa đổi, các đại biểu cho rằng, cần phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo; bổ sung chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; quy định cơ chế xác nhận người chuyển tải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm; chế tài đối với trường hợp phát hiện người chuyển tải chưa sử dụng sản phẩm quảng cáo hoặc sử dụng nhưng kết quả thực tế không đúng như người chuyển tải.
Ngoài ra, cần đánh giá kỹ việc cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo, bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy nổ, thoát nạn và cứu hộ cứu nạn, an toàn của cộng đồng. Quy định cụ thể tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau; cơ chế, cách thức nhận biết các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng vi phạm pháp luật.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề nghị cần quy định cụ thể trách nhiệm của chủ thể trong hoạt động quảng cáo, từ đó phân định trách nhiệm của mỗi bên khi có vấn đề xảy ra; bổ sung các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trên mạng để đảm bảo hiệu quả, thống nhất trong thực hiện; kiểm soát quảng cáo cần phù hợp với thuần phong mỹ tục, tránh những phát ngôn và trang phục không phù hợp, gây tác động tiêu cực đến giới trẻ.
Quy định rõ mốc thời lượng của chương trình giải trí tương ứng với số lần quảng cáo được ngắt; làm rõ cách thức quản lý đối với quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lồng ghép trong phim truyện; hoàn thiện quy định về quảng cáo rao vặt, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí địa điểm quảng cáo rao vặt vừa văn minh, vừa hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), các đại biểu đề nghị cần có chính sách đầu tư phát triển công nghiệp hóa chất có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm, tránh tràn lan, lãng phí; bổ sung quy định đầu tư phát triển, đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực có trình độ cao; quy định mã ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; quy định về quản lý hóa chất độc hại trong sản phẩm; cân nhắc đến địa hình, địa chất của địa điểm lựa chọn xây dựng dự án hóa chất, đặc biệt là hóa chất nguy hiểm.