Mỗi cơ thể một chế độ tập khác nhau
BS. Phan Vương Huy Đổng - giảng viên Bộ môn Y học Thể thao ĐH. Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch Hội Y học Thể thao TP.HCM cho biết, ông thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhẹ hóa nặng bởi tập sai phương pháp và tập không đúng cách. Nhiều người thậm chí phải nhập viện do tổn thương quá nghiêm trọng bởi áp dụng các bài tập không phù hợp với sức khỏe cơ thể.
Theo BS. Đổng, đối với người lớn tuổi, sự tập luyện thể thao một cách điều độ cho thấy sự cải thiện nhiều hệ thống tim mạch làm giảm các rối loạn của nhịp tim, làm giảm cholesterol, làm tăng sự chịu đựng của tim.
Với hệ hô hấp, tập luyện thể thao giúp làm tăng thể tích sống, tăng thể tích làm việc của phổi nhưng không tăng vòng ngực. Với hệ xương khớp làm tăng tỷ trọng xương, tăng sức cơ, sức dẻo và sức điều hợp và có thể quan trọng nhất là làm tăng sự tự chủ, sự tự đánh giá mình và giảm đi rất nhiều những cảm giác cô đơn trầm cảm của người lớn tuổi.
Thế nhưng thực tế cho thấy, phong trào luyện tập thường thiếu người dẫn dắt, cứ thấy người khác tập, mình tập giống họ, hoặc một chương trình tập áp dụng cho tất cả mọi người.Mà không biết mỗi người có một tình trạng bệnh, mỗi người có một thể trạng khác nhau.
Nhiều người bị tổn thương xương khớp nằm yên để lành thương.Đây là suy nghĩ sai.Thực tế phải vận động máu mới lưu thông và mau lành. Điều quan trọng là tập đúng chế độ , đúng mức, tập để tạo sự cân bằng. Vận động dẫn đến sự hao mòn, phá vỡ, khi đó cơ thể mới tái tạo để bù đắp, hai quá trình này phải cân bằng, cơ thể mới ổn định.
Ảnh minh họa
Phải biết lắng nghe cơ thể
Làm sao để biết được sự cân bằng của cơ thể? Cách hữu hiệu nhất theo BS. Đổng là phải vừa tập vừa lắng nghe xem cơ thể phản ứng thế nào.Các dấu hiệu đầu tiên lắng nghe đó chính là cảm giác đau.Thực tế cho thấy nhiều người tập xong không khoẻ mà chỉ mệt mỏi.
Những người lớn tuổi từ 50 tuổi trở lên nên tập luyện thể dục thể thao vừa phải như đi bộ, khiêu vũ, chạy chậm, 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần. Một phương án khác là tập thể dục mạnh mẽ như đi bộ kết hợp chạy, đạp xe đạp với thời lượng ngắn lại: 20 phút mỗi ngày, 3 ngày một tuần. Hoặc thực hiện 8 - 10 lần tập luyện sức mạnh trong phòng tập, 10 - 15 lần lặp lại mỗi bài tập, 2 - 3 lần một tuần.Người lớn tuổi nên chú trọng các bài tập cân bằng, tăng cường chú trọng đến tập luyện các bài tập thể dục tăng sức mạnh chân, sự nhanh nhẹn linh hoạt và khả năng thăng bằng.
Trong quá trình tập luyện và thi đấu thể dục thể thao thường xảy ra những chấn thương ngoài ý muốn như: trật khớp vai, lật cổ chân, bong gân… Do đó, khởi động cần được thực hiện đầy đủ. Sự kết hợp giữa nội dung khởi động và nội dung huấn luyện cũng cần cân bằng. Nếu lượng vận động khởi động quá lớn sẽ sinh ra cảm giác mệt mỏi, chức năng cơ thể bắt đầu giảm xuống khi vào tập luyện hay thi đấu.
Sân bãi dụng cụ, trang phục thể thao phải phù hợp với yêu cầu vệ sinh an toàn. Trước khi thực hiện các thao tác khởi động hay thi đấu phải mặc đủ ấm, nhất là thời tiết mùa đông.
Phải biết trao đổi với bác sĩ khi gặp những dấu hiệu bất thường, thậm chí phải mạnh dạn đổi huấn luyện viên, đổi chuyên gia nếu thấy các bài tập gây áp lực quá sức cho cơ thể. Các bài hướng dẫn chung không thể áp dụng cho tất cả mọi người, nhất là các bệnh nhân cơ xương khớp.
Cần phải có chuyên gia y học để đánh giá tình trạng cơ thể, nếu có viêm, điều trị viêm sau đó phối hợp với các chuyên gia luyện tập.Việc tập luyện phải chịu sự kết hợp giữa bác sĩ và huấn luyện viên.
Những điều phải lưu tâm
Đừng nghĩ mình là ngày hôm qua vì mỗi ngày cơ thể càng ngày càng thay đổi.Cần biết lắng nghe chính xác tiếng nói của cơ thể.
Tập tăng dần, nên có hướng dẫn của chuyên viên.Trách các động tác gây đau hoặc được khuyến cáo.
Ngưng tập nếu đau và khám kiểm tra nếu đau kéo dài.
Nếu đi bộ, bắt đầu đi ngắn, có nghỉ ngơi và có thể tăng dần vừa sức.Mỗi ngày hai cử, mỗi cử khoảng 30 phút là vừa đủ.Cần có chuyên gia hướng dẫn để đúng phương pháp, kỹ thuật, thời lượng.