Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng

(Baohatinh.vn) - Sau 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức 122 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại 205 đơn vị...

Sáng 24/12, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cùng các đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Bùi Ngọc Lam, Lê Tiến Đạt chủ trì hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà và Đại tá Nguyễn Xuân Thao - Giám đốc Công an tỉnh dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Toàn cảnh điểm cầu Hà Tĩnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh: Sau 5 năm thi hành Luật PCTN, công tác PCTN đạt nhiều kết quả tích cực, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được thực hiện bài bản, đồng bộ, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển KT-XH.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu khai mạc (Ảnh: thanhtra.com.vn).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, quá trình thực hiện Luật PCTN vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Do vậy, các đại biểu dự hội nghị cần tập trung đánh giá kết quả thi hành luật, chỉ rõ tồn tại, hạn chế, từ đó, chỉ ra giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCTN.

Tiếp đó, hội nghị được nghe dự thảo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN tại các bộ, ngành, địa phương.

Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt. Về công tác thanh tra, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 37.032 cuộc thanh tra hành chính và 935.196 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 653.383 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 558.977 tỷ đồng; ban hành 599.203 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 27.325 tỷ đồng.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính tiếp nhận 1.178.622 đơn các loại, đã xử lý 1.133.558 đơn; giải quyết 94.586 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua đó, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 78.487 tỷ đồng...

Đối với kết quả điều tra, truy tố, xét xử và thu hồi tài sản tham nhũng, các cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra 2.990 vụ án/7.562 bị can phạm tội về tham nhũng; đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 2.289 vụ án/6.220 bị can. Viện KSND các cấp đã thụ lý, kiểm sát giải quyết 3.510 nguồn tin về tham nhũng, chức vụ; ban hành cáo trạng truy tố 2.649 vụ/7.621 bị can. TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện đã xét xử 2.120 vụ/4.898 bị cáo...

Sau 5 năm thực hiện Luật PCTN, tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả nổi bật, đặc biệt là phòng ngừa hành vi tham nhũng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm túc quy định của Luật PCTN, các nghị định về công tác PCTN, tiêu cực. UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 13/UBND-NC ngày 4/1/2022 hướng dẫn việc thực hiện Luật PCTN khu vực ngoài nhà nước.

Các ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch đưa nội dung PCTN, tiêu cực vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo và chủ động, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã tổ chức 540 lớp tuyên truyền pháp luật về PCTN, tiêu cực với 63.247 lượt người tham gia.

Toàn tỉnh đã tổ chức 122 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTN tại 205 đơn vị, trong đó, có 117 cuộc đã kết luận; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cán bộ công chức, viên chức với số lượng 1.841 người...

Hội nghị cũng được nghe 9 ý kiến tham luận của đại biểu về kết quả thực hiện pháp luật về PCTN tại các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật cũng như các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong những năm tới như: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, đề cao tính gương mẫu của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo trong PCTN, tiêu cực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực...

Quang cảnh điểm cầu tỉnh Hà Tĩnh.

Kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị, thời gian tới, các bộ, ban, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về PCTN. Trong đó, phải thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN, tiêu cực; quán triệt thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới xây dựng pháp luật.

Tổ chức thực hiện nghiêm Luật PCTN, trong đó, các cơ quan thanh tra, kiểm tra cần quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng đảm bảo thực hiện tốt luật.

Toàn ngành Thanh tra tăng cường triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực; đặc biệt là thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan nhà nước. Đôn đốc kiểm tra việc thực hiện kết luận, chỉ đạo, xử lý sau thanh tra. Kịp thời chuyển ngay các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua thanh tra sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Phát huy vai trò của xã hội; tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND, Ủy ban MTTQ trong công tác PCTN, tiêu cực...

Chủ đề Phòng chống tham nhũng

Chủ đề Tuyền truyền phổ biến pháp luật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói