Tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội

(Baohatinh.vn) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 3/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự phiên họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Phiên họp được tổ chức sau thành công của Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương và Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra, dành thời gian thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, vừa qua, Chính phủ đã cử 25 đoàn công tác, làm việc tại các địa phương để đôn đốc sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu...

Theo chương trình phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về 6 nội dung chính: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; kết quả triển khai công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; báo cáo tổng hợp kết quả làm việc của các thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu và kiến nghị, đề xuất theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà tham dự.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tháng 5 tiếp tục chuyển biến khá tích cực, góp phần cải thiện kết quả chung của 5 tháng đầu năm và tạo đà cho những tháng tiếp theo.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm (4 tháng tăng 3,84%) dù đã điều chỉnh giá điện tăng 3% từ ngày 4/5/2023.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay giảm; ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 48% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 48,4% dự toán.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội

Các đại biểu tham dự phiên họp ở điểm cầu Hà Tĩnh.

Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 5 ước lần lượt tăng 5,3%, 4,3% và 6,4% so với tháng trước (tháng 4 lần lượt giảm 7,7%, 7,3% và 8,1%); 5 tháng ước xuất siêu 9,8 tỷ USD (cùng kỳ năm 2022 là 0,24 tỷ USD).

Đầu tư nước ngoài đăng ký tháng 5 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đạt 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm trước (trong khi 4 tháng chỉ bằng 82,1% so với cùng kỳ).

Hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Sản xuất nông nghiệp ổn định; sản lượng nuôi trồng thủy sản 5 tháng tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 2,2% so với tháng trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 2,9%.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội

Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 5 tháng tăng 12,6%, là tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây.

Tuy vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do những khó khăn, thách thức chung của thế giới, sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền, thị trường và đơn hàng; nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai…

Tại Hà Tĩnh, các cấp, ngành tiếp tục triển khai nhiều giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư vào địa bàn, chăm lo đời sống Nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 5 tháng đạt 7.448 tỷ đồng, đạt 39% dự toán, bằng 82% cùng kỳ.

Các dự án công nghiệp lớn trên địa bàn được triển khai đúng tiến độ, trong đó, dự án Nhiệt điện Vũng Áng II đã giải ngân hơn 23.000 tỷ đồng; dự án Nhà máy Pin VinES đang vận hành chạy thử, dự kiến đi vào sản xuất đại trà trong tháng 6; dự án Nhà máy Pin Lithium đã hoàn thành thủ tục thuê đất, hiện nhà đầu tư đang phối hợp hoàn thiện các thủ tục; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng đang trong quá trình thẩm định hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư...

Tỉnh tổ chức khai trương mùa du lịch biển và nhiều hoạt động xúc tiến du lịch. Trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 năm nay, toàn tỉnh đón trên 390.000 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022 .

Tỉnh tổ chức thành công hội nghị Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với xúc tiến đầu tư; trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 15 dự án, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 36 dự án.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công triển khai trên địa bàn năm 2023 là 8.466 tỷ đồng. Giải ngân đến hết ngày 31/5/2023 đạt 1.573/8.442 tỷ đồng, bằng 18,6% so với kế hoạch

Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch vốn năm 2022 (được Quốc hội cho phép kéo dài): Giải ngân đạt 222/357 tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch, trong đó Chương trình dân tộc thiểu số đạt 65%, Chương trình giảm nghèo đạt 21%, Chương trình nông thôn mới đạt 66%.

Kế hoạch vốn năm 2023: giải ngân đạt 23,7/246 tỷ đồng, bằng 9,6% kế hoạch; trong đó: Chương trình nông thôn mới đạt 10,15%, 2 chương trình còn lại chưa có khối lượng giải ngân.

Đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, giải ngân đạt 14/810 tỷ đồng, bằng 1,7% kế hoạch (tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm đạt thấp do các dự án thuộc Chương trình mới được giao kế hoạch trung hạn vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 nên thời gian này đang tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư, chưa có khối lượng thi công),

Công tác đền bù, GPMB, tái định cư dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh được tập trung chỉ đạo. Đến nay, công tác kiểm đếm, giải phóng mặt bằng đạt 99,8%, phê duyệt phương án bồi thường đạt 91%, bàn giao mặt bằng đạt 87%; giải ngân tiền đền bù GPMB 876 tỷ đồng/2.579 tỷ đồng, đạt 34%...

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới cùng một số nội dung quan trọng khác về giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, xác định các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện, nỗ lực khắc phục hạn chế, bất cập, vượt qua các khó khăn, thách thức, tập trung toàn lực để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận phiên họp. Ảnh: VGP.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm nhìn chung khá tích cực, đó là thực hiện được mục tiêu của Trung ương, Quốc hội giao: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tăng cường, mở rộng đối ngoại và hội nhập.

Đề cập nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, dự báo tình hình quốc tế còn phức tạp, khó lường, đòi hỏi bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn, quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn, tiếp tục bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ để chủ động, tích cực, kịp thời, cụ thể hóa để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, tập trung 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, các bộ, ngành, địa phương cùng thúc đẩy, phê duyệt nhanh các quy hoạch; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; các bộ, ngành thúc đẩy hoạt động của công tác kiểm tra.

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân; cơ cấu lại nợ, tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ, nghiên cứu hoàn thuế cho doanh nghiệp; quyết liệt đơn giản hóa các thủ tục hành chính rườm rà; đẩy mạnh các đột phá chiến lược, rà soát, hoàn thiện thể chế, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng chiến lược; tăng cường nâng cao hiệu quả phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm đời sống của Nhân dân; giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến thuốc, trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, không để thiếu thuốc.

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh; tăng cường công tác truyền thông, truyền thông chính sách...

Thủ tướng nhấn mạnh, trong mọi trường hợp phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.