Xác định tầm quan trọng của công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, thời gian qua, Hà Tĩnh đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (viết tắt Chỉ thị số 35-CT/TW).
Ngay sau khi chỉ thị được ban hành, tỉnh đã tổ chức hơn 503 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, quán triệt với sự tham gia của 40.608 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phát hành 29.277 tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền các nội dung liên quan phù hợp với từng đơn vị, địa phương… Tổ chức điểm cầu dự hội nghị trực tuyến về phổ biến, quán triệt Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân. Đồng thời, tỉnh và các cấp, ngành, địa phương cũng ban hành hơn 2.975 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa chỉ thị.
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, kịp thời phát hiện, đôn đốc giải quyết các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện, nhất là các vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, còn tồn đọng, tiềm ẩn mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xem xét trách nhiệm của những nơi để xảy ra “điểm nóng”, chậm giải quyết các vụ việc phát sinh.
Đặc biệt, trong công tác tổ chức tiếp công dân, Hà Tĩnh đã có sáng tạo, được Trung ương đánh giá cao, đó là xây dựng, áp dụng việc tiếp dân định kỳ “3 trong 1” (phối hợp tiếp công dân định kỳ trong cùng một phiên của 3 chức danh: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh). Cách làm này vừa tiết kiệm thời gian, đảm bảo thông suốt giữa lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh và phân công trách nhiệm, đôn đốc xử lý, giải quyết của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, hơn 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức tiếp 49.948 lượt người. Trong đó: cấp tỉnh tiếp 13.614 lượt người; cấp huyện tiếp 13.545 lượt người; sở, ngành tiếp 1.576 lượt người; cấp xã 21.213 lượt người. Có 1.084 đoàn đông người, chủ yếu là các công dân tập trung kiến nghị liên quan đến lĩnh vực đất đai; đền bù, hỗ trợ sau sự cố môi trường biển, phản ánh việc xử lý rác thải sinh hoạt, kiến nghị về chủ trương xã hội hóa mô hình quản lý chợ, dự án đường cao tốc Bắc - Nam...
Tổng số đơn thư tiếp nhận và xử lý là 35.504 đơn; trong đó, số đơn thư khiếu nại, tố cáo đủ điều kiện và thuộc thẩm quyền giải quyết 28.124 đơn và đơn trùng lặp, không đủ điều kiện xử lý 7.380 đơn. Tổng số vụ việc đã giải quyết 8.381 vụ việc/tổng số vụ việc phải giải quyết 9.928 vụ việc (tỷ lệ giải quyết đạt 84,42%).
Năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 111 vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) tồn đọng kéo dài, trong đó có 15 vụ việc do các cơ quan Trung ương chuyển về, 96 vụ việc do địa phương tự rà soát. Đến nay, còn 2 vụ việc theo kế hoạch rà soát của Thanh tra Chính phủ (đã có phương án giải quyết) và 3 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo kết quả rà soát của địa phương đang được giải quyết.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả, công tác tiếp dân, giải quyết KNTC vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở một số địa phương chưa cao; nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân còn hạn chế dẫn đến tỷ lệ các vụ việc KNTC không đúng và đúng một phần còn cao. Một số địa phương, đơn vị chưa kịp thời trong việc giải quyết KNTC. Một số vụ việc KNTC giải quyết chưa đúng quy trình, thủ tục, thời gian kéo dài; chưa chú trọng công tác tuyên truyền, hòa giải, đối thoại trực tiếp. Việc bố trí cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân tại một số cơ quan, đơn vị còn gặp khó khăn, kiêm nhiệm công tác khác…
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW và Quy định số 11-QĐi/TW.
Trong đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân, KNTC; bám sát và thực hiện nghiêm các văn bản hướng dẫn thi hành, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết KNTC.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và đặc biệt là pháp luật về tiếp công dân, KNTC cho người dân nhằm giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quy định về KNTC; chấp hành các quyết định hành chính đã có hiệu lực thi hành.
Đổi mới, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tiếp dân, giải quyết KNTC tại các cơ quan, đơn vị và các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm và phát sinh KNTC; đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện; thực hiện đúng quy trình, quy định, công khai, minh bạch, công bằng trong thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư... để triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội...
Kịp thời theo dõi phát hiện và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi buông lỏng, trì hoãn, kéo dài, thực hiện không nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên trong công tác xử lý đơn thư, tiếp công dân, có dấu hiệu biểu hiện tiêu cực, trục lợi và những trường hợp công dân lợi dụng tự do dân chủ để khiếu nại, tố cáo kéo dài đối với các vụ việc đã được các cơ quan chức năng giải quyết đúng quy định; nêu gương tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong việc tiếp dân, giải quyết KNTC.
Chính quyền các cấp cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp công dân và nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.