Tàu Nga chụp bức ảnh bề mặt Mặt Trăng đầu tiên

Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos hôm 17/8 công bố bức ảnh chi tiết đầu tiên về bề mặt Mặt Trăng do tàu Luna-25 chụp từ quỹ đạo.

Tàu Nga chụp bức ảnh bề mặt Mặt Trăng đầu tiên

Bức ảnh chi tiết đầu tiên về bề mặt Mặt Trăng do tàu vũ trụ Luna-25 của Nga chụp. Ảnh: Roscosmos

"Trong ảnh là vùng hố trũng Zeeman ở gần cực nam, phía xa của Mặt Trăng. Tọa độ của trung tâm hố trũng là 75 độ vĩ nam và 135 độ kinh tây", Roscosmos cho biết.

“Không thể nhìn thấy từ Trái Đất, hố trũng Zeeman là một cấu trúc độc đáo trên bề mặt Mặt Trăng và rất được các nhà nghiên cứu quan tâm”, Viện Nghiên cứu Không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết. Thành hố cao tới 8 km so với bề mặt Mặt Trăng, trong khi phần đáy tương đối bằng phẳng.

Tàu Luna-25 phóng lên không gian ngày 11/8, đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên khám phá không gian mới của Nga. Trước đó, tàu thăm dò Mặt Trăng gần đây nhất của Nga là Luna-24, phóng vào năm 1976.

Luna-25 chụp những bức ảnh đầu tiên từ ngoài không gian hôm 13/8, cho thấy một phần con tàu cùng với Mặt Trăng và Trái Đất ở nền phía xa. Ngày 16/8, con tàu đạt cột mốc lớn khi tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng. Luna-25 sẽ không ở trên quỹ đạo quá lâu vì đến ngày 21/8, nó dự kiến thử hạ cánh xuống bề mặt thiên thể này.

Luna-25 nhắm đến một vùng đất xám gần cực nam, nơi được cho là có nhiều băng nước. Nếu hạ cánh thành công, tàu đổ bộ sẽ tìm kiếm băng nước và thực hiện nhiều nghiên cứu khác trong khoảng một năm.

Nga không phải là quốc gia duy nhất nhắm đến cực nam Mặt Trăng. Nhiệm vụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ cũng dự định hạ cánh xuống khu vực này vào ngày 23 hoặc 24/8. Trong khi đó, NASA đặt một mục tiêu dài hạn hơn. Cơ quan này lên kế hoạch đưa người đáp xuống đây cuối năm 2025 hoặc 2026, trong nhiệm vụ Artemis 3. Nhiệm vụ nhằm mở đường cho công cuộc xây dựng một hoặc nhiều căn cứ trên Mặt Trăng.

Theo VNE

Đọc thêm

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.