Chăn nuôi bò ở xã Cẩm Sơn chủ yếu là các mô hình nuôi nhốt
Vài năm trở lại đây, nhận thấy tiềm năng đất đai dồi dào của xã miền núi và một số mô hình thành công bước đầu, Cẩm Sơn đã tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển thêm nghề chăn nuôi bò hàng hóa để nâng cao thu nhập.
Cùng với tranh thủ nguồn hỗ trợ của huyện (mô hình bò trên 5 con được hỗ trợ 2 triệu đồng/con), xã đã mạnh dạn ban hành chính sách hỗ trợ 10 triệu đồng/mô hình trên 5 con, vì vậy chăn nuôi bò trên địa bàn phát triển khá nhanh.
Từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, một vài con/hộ, đến thời điểm này toàn xã đã có hàng trăm mô hình chăn nuôi bò, chủ yếu là theo mô hình nhốt chuồng, với tổng đàn gần 2.000 con. Nhiều mô hình có quy mô trên 30 con.
Chăn nuôi bò đang trở thành nguồn thu nhập chính của người dân xã miền núi Cẩm Sơn
Không chỉ phát triển nhanh về tổng đàn, người dân ở đây đang hướng đến chăn nuôi bò theo hướng liên kết, tạo ra sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là nâng cao kiến thức, kỹ thuật và chất lượng đàn bò ngay từ khâu lựa chọn giống…
Từ cuộc sống nhiều khó khăn do sản xuất thuần nông, chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ sau hơn 3 năm gia đình anh chị Lê Ngọc Thiều, Cao Thị Nhi (thôn Lĩnh Sơn) đã trở thành một “đại gia” có tiếng nhờ phát triển chăn nuôi bò.
Cuối năm 2015, từ chủ trương phát triển chăn nuôi của xã, anh Thiều đã mạnh dạn vay mượn đầu tư xây dựng chuồng trại, quy hoạch đồng cỏ và mua 10 con bò giống về nuôi nhốt.
Gia đình anh Thiều chủ yếu nuôi bò giống 3B và Brahman
Nhờ được xã hỗ trợ vốn, được tập huấn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc, có diện tích trồng cỏ rộng (2ha) và chịu khó lấy ngắn nuôi dài, đến nay đàn bò của anh chị thường xuyên duy trì trên 30 con bò giống lai ngoại, chủ yếu là bò 3B của Bỉ và Brahman của Ấn Độ với giá trị kinh tế cao. Tổng số bò xuất chuồng trong 2 năm trở lại đây của gia đình đạt trên 120 con/năm, với doanh thu trên 4 tỷ đồng/năm.
Với lứa bò thịt hiện có trên 30 con, nếu như các năm trước sẽ được xuất chuồng để nuôi lứa mới, thì năm nay dự tính giá bán sẽ tăng khá cao do dịch tả lợn châu Phi, anh Thiều tiếp tục vỗ béo chờ xuất chuồng vào dịp tết, dự kiến sẽ thu về trên 1,5 tỷ đồng.
Để nuôi được 30 - 40 con bò/lứa, mỗi hộ dân cần phải có ít nhất khoảng 2 ha đất trồng cỏ
Theo ước tính, Tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới, người dân Cẩm Sơn sẽ có không dưới 1.000 con bò được cung ứng cho thị trường thực phẩm cuối năm.
“Chăn nuôi bò yếu tố quan trọng nhất là phải có đủ diện tích đất trồng cỏ, với bình quân 1 sào cỏ/1 con bò. Ngoài ra, cần tận dụng các loại thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp khác như: rơm rạ, thân cây chuối, rỉ mật… để đảm bảo nguồn thức ăn quanh năm” - anh Lê Ngọc Thiều chia sẻ.
Máy băm cỏ cũng được các hộ sử dụng để nâng cao năng suất trong chế biến thức ăn cho trâu bò
Năm 2019, khi chăn nuôi bò phát triển khá mạnh với tổng đàn lên đến hàng ngàn con; để phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả, Cẩm Sơn bắt đầu chỉ đạo triển khai chăn nuôi liên kết với việc tổ chức xây dựng các tổ hợp tác (THT).
Đến nay 2 THT chăn nuôi bò ở thôn Lĩnh Sơn và thôn Thọ Sơn với hàng chục hộ thành viên đang đi vào hoạt động có hiệu quả, phát huy được vai trò tập hợp và hỗ trợ lẫn nhau phát triển sản xuất.
Rỉ mật, phụ phẩm trong sản xuất mật mía được các hộ chăn nuôi ở Cẩm Sơn sử dụng làm nguồn thức ăn hiệu quả trong giai đoạn vỗ béo và giúp đàn trâu bò tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh
Theo ông Hoàng Văn Hiệp - Chủ tịch UBND xã, trên cơ sở thực tiễn phát triển đàn bò trong những năm qua, Cẩm Sơn chỉ đạo các THT và các địa phương tập trung phát triển chăn nuôi 2 loại giống bò chính với trọng lượng lớn, tỷ lệ thịt cao và ngon là giống 3B và giống Brahman; hạn chế nuôi bò cỏ và bò lai sin phẩm cấp thấp.
Bà Nguyễn Thị Hương trồng hơn 10 sào cỏ và ngô để quay vòng đàn bò thịt 10 con/lứa, mỗi năm 3 lứa, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm
Hiện nay, bên cạnh đàn bò gần 2.000 con, Cẩm Sơn còn có trên 600 con trâu chủ yếu nuôi lấy thịt cũng cho hiệu quả cao. Với giá bán hơn nhiều so với thịt bò, đây cũng là nguồn thu không nhỏ của người dân Cẩm Sơn trong dịp Tết Canh Tý này.
“Hiện nay cùng với việc phát triển tổng đàn, xã đang có chủ trương phát triển chăn nuôi trâu bò theo hướng trang trại, gia trại quy mô lớn và đưa chăn nuôi ra đồng, nhằm nâng cao quy mô, chất lượng đàn trâu bò, nâng cao thu nhập, giảm ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững” - Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Hiệp khẳng định.