Chợ trâu Kỳ Hưng (thị xã Kỳ Anh) họp mồng 5, 16, 26 dương lịch hàng tháng, lúc nào cũng đông đúc người mua kẻ bán. Không đơn thuần là phiên chợ giao thương, trao đổi hàng hóa, chợ trâu còn là nơi kết tinh nét văn hóa của bao thế hệ.
Bên gánh hàng nước, chúng tôi được nghe cụ Đặng Quyền (trên 80 tuổi) ở xã Kỳ Hoa kể về phiên chợ đặc biệt mà cụ đã gắn bó suốt cuộc đời mình. Trong hình dung của cụ như vẫn còn nguyên vẹn ký ức tuổi thơ được theo cha mẹ tham gia phiên chợ, hay mỗi mờ sáng được nhìn thấy từng đoàn người dắt theo “sản nghiệp biết đi” đằng sau lưng để tới kịp chợ phiên.
Một thương lái hướng dẫn phóng viên cách phân biệt tướng lành để chọn trâu
Cụ kể, thời đó người ta làm gì đã có ô tô, xe máy như bây giờ. Người tham gia phiên chợ trâu bò phải đi bộ từ trên vùng Sơn, Lâm, Thượng, Lạc hay tận trong Kỳ Nam, Kỳ Thịnh ra… Người ta có khi dắt trâu bò xuống trước cả một ngày để sáng mai kịp chợ sớm. Nơi đây hồi ấy la liệt quán hàng phục vụ người mua, kẻ bán; giờ thì vãng hơn nhiều. Tuy vậy, cái cách mua, bán, cách chọn lựa trâu bò thì vẫn vậy.
6 giờ sáng, “sàn giao dịch” bắt đầu hiện rõ trên “mâm” đất được san phẳng, chợ trâu Kỳ Hưng đã rộn rã phiên họp mới. Bên này, hàng trăm con trâu bò lúc này đã “tụ” về, đứng ken đặc cả khu đất rộng. Những cuộc gặp gỡ, những cái bắt tay, tiếng kêu rống của trâu bò, mùi nồng, khắt của bãi đất đầy trâu bò chen chúc, tiếng mặc cả giữa dòng người bước vội.., âm thanh sôi động cả một vùng.
Với 27 năm "lái" trâu, anh Nguyễn Văn Thưởng đã nếm đủ "mùi vị" của nghề
Theo chân anh Nguyễn Văn Thưởng ở xã Kỳ Hợp (huyện Kỳ Anh), người đã có gần 27 năm gắn bó với nghề buôn trâu, tôi được biết, chợ trâu Kỳ Hưng được chia làm 2 khu vực mua bán trâu và bò. Cách mua bán của phiên chợ này khá đặc biệt, sau hồi ngắm nghía, tham khảo, nếu “ưng bụng”, hai bên sẽ dắt trâu, bò của mình qua bãi đất thoáng để tiến hành giao dịch, cuộc ngã giá thành công bằng việc trao dây dắt mũi hay những cái bắt tay thuận tình.
Anh Thưởng cho biết, muốn bước chân vào nghề buôn trâu bò thì điều đầu tiên là có cái nhìn chuẩn xác, tinh tường. Mọi quá trình mặc cả, ra giá đều dựa trên sự quan sát bằng mắt chứ không qua một công đoạn cân đo nào. Cả người mua lẫn người bán đều biết ước lượng đúng khối lượng thịt, xương của con hàng. Ngoài ra phải đủ tỉnh táo để phát hiện những mánh khóe “thẩm mỹ” của đối tác. Riêng trâu bò thịt có ưu thế hơn, rất dễ bán, bởi vì không cần cầu kỳ chọn lựa. Thường thì các thương lái đợi tầm vãn chợ sẽ tìm mua những con giống “nghịch” của nông dân để dễ ép giá, sau về vỗ béo, để các phiên sau bán kiếm lời cao.
Cuộc giao dịch thành công bằng cái bắt tay thuận tình
“Cái nghề buôn trâu bò, ngoài việc phải đi lùng sục khắp đầu thôn cuối xóm để tìm nguồn hàng thì cũng cần phải có cái “duyên” mua bán nữa. Có những lúc thì lãi to nhưng có những lúc mua về nhằm đợt dịch thì lỗ “bạc mặt...” - anh Thưởng chia sẻ.
Phiên chợ trâu cũng là nơi ghi lại nhiều cảm xúc của người nông dân. Đó có lúc là tâm trạng mừng vui khi vừa mua được cặp bò ưng ý để chăn nuôi sau thời gian dành dụm, tích cóp của chị Hoàng Thị Nhiệm ở phường Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh. “Với nông dân chúng tôi, trâu bò không chỉ là đầu cơ nghiệp mà còn báo trước gia chủ gặp phúc hay họa. Bởi vậy, việc chọn lựa giống trâu bò làm sức kéo được tiến hành hết sức cẩn thận. “Đầu tang, xoáy tóc, hàm sà” là câu nằm lòng của chúng tôi khi đến chợ. Các giống trâu, bò “đeo kính” (2 xoáy song song ở vùng mặt), lông bóng mượt, được ưu tiên lựa chọn” - chị Nhiệm vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Lê Hiến Chương ở xã Kỳ Văn - huyện Kỳ Anh thẫn thờ khi dắt con trâu duy nhất của mình đi bán
Đó còn là cảnh bác nông dân dắt con trâu đã gắn bó với mình ra chợ với nét mặt buồn rười rượi. Ông Lê Hiến Chương ở xã Kỳ Văn - huyện Kỳ Anh dắt con trâu duy nhất của mình đi bán để mua chiếc máy cày mới, thẫn thờ nói: “Gắn bó đã mấy năm, từ lúc còn là nghé con, chăm bẵm tới bây giờ đều do một tay tui cả, sáng tối dắt nó ra đồng thành nếp quen. Nhưng hiện giờ sức khỏe tui không được tốt, cả nhà bàn bạc phải bán nó đi để mua chiếc máy cày cho đỡ cực. Từ chiều hôm qua tui đã chuẩn bị đống cỏ tươi để sáng nay nó được ăn no sớm, mong nó được về với chủ tốt”.
Những chuyến xe ngược xuôi chở trâu bò sau buổi chợ
Chợ trâu Kỳ Hưng vãn lúc gần trưa, bụi tung mù bởi những chuyến xe ngược xuôi vận chuyển trâu bò. Tôi đứng giữa bãi đất nồng khắt mùi chợ trâu quen thuộc để lưu giữ lại ký ức về phiên chợ bên triền sông Trí đã gắn bó suốt tuổi thơ mình. Lòng thầm nghĩ: Dù mai này bãi đất kia có mọc lên những tòa nhà cao tầng kiên cố, thì trong tâm thức của bao người vẫn mãi lưu giữ cái nét quê của người Kỳ Anh...