Chợ quê ngày tết ở Hà Tĩnh hiện nay đã có những loại hoa, cây cảnh được mang về từ khắp các miền Bắc, Nam. (Ảnh Đậu Bình)
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Vũ Bằng hay Đoàn Văn Cừ đã có những cảm nhận và miêu tả thơ mộng về phiên chợ tết của người Việt trong “Thương nhớ mười hai” và “Chợ tết”. Chợ tết từ xa xưa là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Năm nào cũng vậy, khi bắt đầu ra chợ mua sắm lễ vật cúng Táo quân là trong tâm tư tôi cũng lại vang lên những câu thơ của Đoàn Văn Cừ: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam, ôm ấp nóc nhà gianh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ tết”. Rồi tôi nhớ quê nhà. Nhớ những ngày theo bà, theo mẹ đi chợ tết…
Ở các miền quê có rất nhiều chợ, thường họp phiên theo buổi sáng, chiều hoặc ngày chẵn, lẻ, tuy nhiên, năm nào cũng vậy, từ 23 tháng Chạp trở đi, các chợ này không họp theo phiên mà diễn ra cả ngày. Người bán bán dăm ba thứ có trong vườn, trong chuồng hay kiếm được trên rừng. Người bán không nói thách và người mua cũng không mặc cả. Thứ họ trao nhau là niềm vui, sự ấm áp, chân thành. Cũng có những nơi, chợ diễn ra ngay trên một con ngõ đầu làng hay trên một bãi cỏ trống. Ở đó, không khí cũng không kém phần náo nhiệt bởi chợ là nơi để những người đi xa vừa mới trở về gặp lại chòm xóm, hỏi thăm nhau những chuyện cũ, chuyện mới… Chợ tết cũng là dịp trẻ con trong làng được theo chân mẹ mua sắm quần áo, đồ chơi nên càng thêm đa sắc, đa thanh…
Tại Đức Thọ, những phiên chợ không thể thiếu món hến
Ngày nay, nhịp sống số đã giúp các bà nội trợ có thể đi chợ online. Tuy nhiên, tiện ích đó chỉ được ưa chuộng trong cuộc sống đời thường. Chợ tết với những nếp sinh hoạt truyền thống vẫn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Hầu hết các mẹ, các chị đều mong đợi tết để có thể đi chợ sắm sanh đồ đạc. Việc đi chợ tết là một nhu cầu tự thân, nó nằm sâu trong tâm thức để đến tháng, đến ngày, đến cái màu không gian ấy là tự nhiên trỗi dậy.
Với người phụ nữ, chợ tết còn là nơi thiên chức được thể hiện. Có thể phải chen chúc một tý, chịu ồn ào một tý nhưng cả người mua lẫn người bán đều mang trong lòng một cảm giác thiêng liêng, thành kính khi mua bán một cành hoa, dăm quả cau, vài liền trầu, mấy nén nhang, thịt thà, gạo, nếp và mắm muối, lá dong… Số lượng có thể không nhiều nhưng việc mua bán ấy khiến người ta tìm thấy nhiều ý nghĩa tinh thần trong việc sửa soạn vật chất…
Nhiều người đi xa trở về thích đi chợ chỉ để nếm lại những thức quà thuở nhỏ
Chợ tết ở một phương diện nào đó là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Mỗi vùng miền đều có những nét đặc trưng riêng biệt. Nét văn hóa ấy có thể ẩn trong phương cách đi chợ, có thể ẩn trong hàng hóa, trong tâm thức người đến chợ. Xa quê đã mấy mươi năm, hễ năm nào về quê ăn tết là chị Thanh Hương ở thị trấn Đức Thọ lại xắm nắm theo mẹ đi chợ tết. Chị cho biết: “Về quê, tôi rất thích đi chợ. Chợ ở đô thị rất quy củ nhưng lại xô bồ, hiếm có sự thân tình trong giao dịch. Ở chợ quê, tôi vừa tìm lại được những thức quà ngày thơ trẻ, tìm lại được mình trong những ngây ngô, mong ước ấu thơ. Và hơn hết là được chứng kiến sự thân tình, hòa nhã, sự chân chất, mộc mạc của cả người bán và người mua”.
Chợ quê ngày tết ồn ã, đông đúc nhưng lại rất nền nã, dân dã. Cũng có đôi ba hàng bán đồ trang trí hiện đại nhưng rất chừng mực. Hầu hết hàng hóa ở chợ tết các miền quê đều là những mặt hàng nông sản, thủ công của những người nông dân. Để có hàng bán ở các phiên chợ tết, họ đã phải chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Hàng có khi chỉ mấy nếp lá dong, một vài nải chuối xanh, dăm ba cây mía, quả bưởi, buồng cau hoặc con gà, con vịt. Hàng cũng có thể là đôi thúng, cái rổ mới đan, là con dao vừa rèn, bó đũa cau vừa vót, là nồi kẹo lạc mới đổ tối qua… Người bán xong cái này lại mang tiền đi mua hàng khác của nhà người khác như muốn trao cho nhau thật trọn vẹn cái phong vị quê nhà…
Bà Phạm Thị Sen ở Sơn Mỹ (Hương Sơn) cho biết: “Bây giờ, giao thông thuận tiện, người ta mang hàng hóa đến bán tận nơi, chúng tôi chẳng mấy khi phải đi chợ mua sắm. Tuy nhiên, chợ tết thì khác. Đi chợ tết đã thành nếp của chị em thôn quê chúng tôi. Dù ai đi đâu, làm gì, áp tết cũng trở về để có mặt trong những phiên chợ tết. Có phiên có hàng, có phiên chẳng có gì bán, chẳng mua sắm gì cũng đi để được ngắm nhìn, để được lắng nghe chút không khí của ngày xưa…”.
Không còn nữa cảnh thơ mộng như trong “bức tranh” chợ tết của Đoàn Văn Cừ, không còn nữa những ông đồ già bày mực tàu viết câu đối ở chợ, không còn nữa những hàng tò he xanh đỏ với xúm xít trẻ con… Chợ tết giờ đây đã xuất hiện thêm những gian hàng hiện đại bán các sản phẩm công nghiệp, đã có đầy đủ các loại hoa, cây cảnh mang về từ khắp các miền Nam, Bắc…
Nhịp sống hiện đại đã mang đến những cái tết khác nhau, cách chơi tết khác nhau. Dẫu vậy, người Việt vẫn đi chợ tết với mong muốn được hòa mình vào không gian văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ở đó, người ta bày tỏ khát vọng về một cuộc sống ấm no, sung túc. Ở đó, người ta tìm thấy những giá trị tinh thần to lớn trong nét bình dị, chân chất của phiên chợ truyền thống. Tết vì thế cũng thêm phần ý vị hơn…