Cơ sở sản xuất bánh đa nem Tuyết Sinh (tổ dân phố 8, phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) những ngày này đã bắt đầu tất bật với các đơn hàng từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Chị Tuyết (chủ cơ sở) cho biết: “Từ đầu tháng 12 âm lịch, chúng tôi đã bắt đầu sản xuất hàng tết. Mỗi ngày có khoảng 250 nghìn chiếc bánh đa nem thành phẩm được đóng gói, xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Mùa này, thời tiết không thuận lợi để phơi bánh nên lò sấy phải hoạt động hết công suất mới đáp ứng được nhu cầu”.
Cơ sở sản xuất bánh đa nem Tuyết Sinh (phường Trần Phú - TP Hà Tĩnh) phải hoạt động hết công suất mới đủ đáp ứng các đơn hàng trong và ngoài tỉnh
Dây chuyền hoạt động hết công suất nên chị Tuyết cũng phải thuê thêm nhân công tăng cường cho các khâu tráng bánh, sấy khô, đóng gói sản phẩm… Mỗi người một công đoạn nhưng tất cả đều làm việc khẩn trương để kịp giao hàng đi các tỉnh.
Cạnh nhà chị Tuyết, kho chứa hàng mã của bà Võ Thị Kỷ cũng tấp nập không kém. Để cung ứng hàng cho một số chợ ở vùng ven thành phố, 2 tháng nay, bà Kỷ đã gom hàng từ các tỉnh miền Bắc về. Ngày thường chỉ có 2 vợ chồng ông bà đóng gói, giao hàng cho các đầu mối bán lẻ, nhưng thời điểm này, bà phải huy động thêm các con tranh thủ thời gian phụ giúp sau giờ làm.
Cả tháng nay, gia đình bà Kỷ tất bật với kho hàng mã để giao cho các đầu mối bán lẻ
Không chỉ các cơ sở sản xuất, tiểu thương chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết, tại các trang trại, nhà vườn, người dân cũng khẩn trương hoàn thành những công đoạn cuối cùng để xuất bán các loại nông sản. Chăm chút cho vườn cam bù đang vào độ chín, anh Hồ Trung Dũng (thôn 11, xã Hà Linh, Hương Khê) đang hy vọng vào một vụ thu hoạch mới.
Anh Dũng cho biết: “Năm nay, gia đình tôi dự kiến thu hoạch hơn 1 tấn cam bù và một ít cam chanh chín muộn. Hiện tại, một phần vườn cam của tôi đã có thương lái đến đặt mua. Về cơ bản, giai đoạn này không phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhưng phải thường xuyên chăm sóc chu đáo, kiểm tra sâu bọ, lượng nước đọng để tránh cho cam không bị thối, rụng và đảm bảo chín đẹp đúng dịp tết”.
Những vườn cam chín mọng đang chờ xuất bán ra thị trường
Cũng như gia đình anh Dũng, hầu hết những vườn cam trên địa bàn đều đang bước vào giai đoạn chăm sóc, bảo quản sản phẩm. Theo người dân, rằm tháng Chạp là thời điểm các vườn cam bắt đầu xuất bán ra thị trường; những lứa cam chín muộn sẽ được nhà vườn chăm sóc để dành ra tết bán.
Tết cổ truyền là dịp mua sắm lớn nhất trong năm của người Việt, hàng hóa cũng vì thế mà đa dạng, phong phú. Cùng với sự chuẩn bị hàng hóa của các cơ sở SXKD, trang trại, các địa điểm mua sắm như chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa cũng bắt đầu tấp nập.
Tại các địa điểm mua sắm, hàng hóa đã dồi dào nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp tết
Không chỉ mua hàng theo phương thức truyền thống, “chợ online” cũng đã sôi động với nhiều lời chào bán các món hàng phục vụ tết như hoa quả, cây cảnh, thực phẩm handmade, đồ gia dụng… Từ người buôn bán chuyên nghiệp cho đến nhân viên công sở làm thêm dịp cuối năm đều tận dụng mạng xã hội làm kênh bán hàng tiện lợi, hiệu quả. Theo đó, chỉ cần một cú nhấp chuột, đủ các loại hàng hóa từ phổ biến cho đến các đặc sản vùng miền, hàng ngoại nhập đều được chuyển phát đến tận nhà.
Để đảm bảo an toàn cho hàng hóa dịp tết, các đội quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh và các cơ quan chức năng cũng tăng cường lực lượng, thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa nhằm chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.