Dịp Tết luôn là những ngày bận rộn nhất với những người làm nghề bào đũa ở Phúc Trạch.
Đũa được làm từ thân cây cau rừng, người dân gọi là cây cau năng rưng.
Được làm từ nguyên liệu sạch, lại gần gũi với mọi gia đình, đũa cau năng rưng cực hút khách mỗi dịp lễ Tết.
Bởi vậy, dịp này, làng nghề làm đũa trở nên bận rộn, tất bật.
Khắp thôn 1, thôn 3 xã Phúc Trạch đều vang tiếng đẽo, bào đũa.
Theo những "nghệ nhân" ở đây, cứ đến tháng 10 âm lịch, họ phải làm từ 14 đến 16h/ngày mới đủ hàng phục vụ thị trường Tết. Thậm chí, có những khi cao điểm, phải làm đến tận 2 - 3h giờ sáng mới đủ hàng giao cho khách.
Để làm ra đũa thành phẩm phải trải qua tới 8 công đoạn: Cắt – chẻ - đẽo – bào phả - bào trau – mít – chà – phơi (hoặc sấy) - mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì.
Trong đó, “bào trau” là công đoạn quan trọng nhất, quyết định đến tính thẩm mỹ của sản phẩm và không phải ai cũng làm được, nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, đều đặn trong từng đường bào.
Cây cau năng rưng có hình dáng như cây cau thường, nhưng nhỏ hơn rất nhiều, chu vi thường chỉ khoảng 25-35 centimet, cao khoảng 6 - 8 mét nhưng chỉ có 2 mét gốc đủ độ cứng để làm đũa.
Tiếng chẻ cau, tiếng bào đũa vẫn đang thay nhau gõ nhịp, thúc giục mùa xuân về.