Tết Việt nơi xa xứ

(Baohatinh.vn) - Tết là một lễ trọng đầy ấm áp và thiêng liêng của dân tộc. Dù ở phương trời nào, những công dân Việt vẫn luôn hướng lòng mình về những phong tục tập quán cổ truyền. Không về quê đón tết, người Việt xa xứ trên khắp thế giới đón tết bằng nỗi nhớ, bằng ký ức và những sửa soạn khác nhau.

Không còn bỡ ngỡ, nhớ nhà quay quắt như thời điểm đón cái tết xa quê đầu tiên, năm nay, anh Nguyễn Hùng Cường (Kyoto - Nhật Bản) cùng các bạn du học sinh, lao động người Việt ở vùng Kansai chuẩn bị đón một cái tết tươm tất, đủ đầy hơn.

Tết Việt nơi xa xứ

Lễ thắp hương đêm giao thừa được các bạn du học sinh và người lao động Việt Nam tại Nhật Bản chuẩn bị rất chu đáo

Anh Hùng Cường cho biết: “Vì lịch học tập và làm việc không giống nhau, lại không được nghỉ tết nên anh chị em đồng hương muốn tụ họp đông đủ đêm giao thừa phải sắp xếp lịch trước tết khoảng nửa tháng. Buổi tiệc đón năm mới sẽ được tổ chức tại nơi ở của một thành viên trong nhóm, những người ở xa cũng cố gắng đến để cùng mọi người đón năm mới. Dù không được đón tết ở quê nhà cùng người thân nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí ấm áp, sum vầy từ những người bạn đồng hương”.

Tết Việt nơi xa xứ

Nguyên liệu để làm những món ăn truyền thống không dễ kiếm và giá cả thường rất đắt đỏ.

Tết thì không thể thiếu các món ăn truyền thống nên dù nguyên liệu không dễ kiếm, giá cả lại đắt đỏ hơn ở Việt Nam nhiều lần nhưng anh Cường và những người bạn vẫn chuẩn bị khá đầy đủ. Mâm cỗ không chỉ để thưởng thức cho thỏa nỗi nhớ quê hương mà khiến những người con xa xứ xích lại gần nhau hơn, cảm thấy ấm áp hơn trong nỗi nhớ chung.

“Mâm cỗ đón tết của chúng tôi không thể thiếu bánh chưng dù phải thay lá dong bằng lá chuối. Thời khắc vừa luộc xong, lấy bánh ra, khói bánh tỏa lên thơm phức. Ai nấy đều hít căng lồng ngực mùi vị quê nhà. Có đứa còn rưng rưng nước mắt khi nhớ đến mẹ cha” - anh Cường xúc động chia sẻ.

Tết Việt nơi xa xứ

Mâm cỗ ngày tết của người Việt xa xứ vẫn không thể thiếu những món ăn mang hương vị quê nhà

Cũng như anh Cường, chị Đào Ngọc Thúy (tỉnh Teke - Hàn Quốc) đã quen với việc đón tết xa nhà. Mỗi dịp tết, vợ chồng anh chị thường làm món ăn Việt, mời những người bạn, đồng nghiệp người Hàn Quốc đến chung vui và đón mừng năm mới.

“Dù có nét văn hóa Á Đông tương đồng nhưng những người bạn Hàn vẫn rất hào hứng với tục lệ đón tết của người Việt. Hầu như năm nào, chúng tôi cũng đón năm mới bên những người bạn thân thiết. Dù nhớ nhà nhưng vì điều kiện công việc, đã lâu lắm hai vợ chồng không được sống trong không khí tết Việt”.

Tết Việt nơi xa xứ

Với cộng đồng người Việt tại Australia, chợ phiên là hoạt động văn hóa truyền thống được mong chờ nhất mỗi dịp tết

Đã nhiều năm nay, khi trong nước rộn ràng đón xuân thì bà con kiều bào tại Australia cũng hân hoan tổ chức các phiên chợ tết như một hoạt động văn hóa truyền thống. Australia tập trung khá đông người Việt sinh sống và làm việc nên lễ hội chợ phiên được tổ chức luân phiên tại các vùng. Đây là lễ hội tết lớn được mong đợi nhất trong năm của cộng đồng người Việt và là địa điểm thu hút kiều bào đến mua sắm, vui chơi.

Quyết định chọn đất nước xa xôi này làm nơi định cư nhưng vợ chồng anh Nguyễn Quang Linh (thành phố Melbourne - Australia) vẫn luôn nhớ về quê nhà, đặc biệt là mỗi dịp tết đến xuân về.

Tết Việt nơi xa xứ

Chợ phiên là nơi diễn ra nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa Việt như múa lân, biểu diễn áo dài...

Anh Linh cho biết: “Cậu con trai 4 tuổi của tôi sinh ra, lớn lên ở đây nhưng tôi vẫn luôn dạy con về văn hóa truyền thống và tình yêu quê hương. Mỗi dịp có chợ phiên, chúng tôi lại sắp xếp công việc để đưa con đi chơi. Ở đó, cháu được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị mang đậm nét văn hóa Việt như mua sắm tại các gian hàng tết, xem múa lân, biểu diễn áo dài… Không chỉ trẻ con háo hức mà người lớn cũng rất hào hứng với phiên chợ bởi cảm giác tết đang đến thật gần”.

Tết Việt nơi xa xứ

Và cũng là nơi du khách thưởng thức ẩm thực Việt

Ở mỗi một đất nước, kiều bào ta lại có một cách đón tết cổ truyền, mừng năm mới riêng, nhưng tất cả đều hướng về quê nhà. Tết với những người con xa xứ là thời khắc thiêng liêng giúp họ gần gũi nhau hơn, yêu thương nhau nhiều hơn.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Trong những ngày mùa đông phương Nam nắng mưa khoan nhặt, chúng tôi đã có dịp gặp hai “cánh chim bằng” người Hà Tĩnh, là thủ lĩnh những ngôi trường bách khoa ở 2 đầu đất nước. Đó là GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.
Đón tết sớm trên Nhà giàn DK1

Đón tết sớm trên Nhà giàn DK1

Với sự có mặt của đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, không khí xuân đã rộn ràng trên khắp nhà giàn DK1/10 với những chậu quất, cành mai rực rỡ sắc vàng...