50 năm gắn bó, góc chợ này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời cụ Diệm
Hỏi thăm mấy người bán buôn ở chợ tỉnh về những người gắn bó lâu năm nhất với nơi này, người ta đều chỉ tay về phía bà cụ Diệm. Năm nay, cụ Diệm đã hơn 80 tuổi. Ở tuổi “xưa nay hiếm”, cụ Diệm ngày 2 buổi vẫn cần mẫn với gánh cau trầu, gian hàng mã nhỏ nép mình ở góc chợ. “Không nhớ bắt đầu bán ở đây từ năm nào nữa nhưng khoảng 50 cái tết như thế này rồi” - cụ Diệm chia sẻ.
Ngày trước, thị xã còn nghèo, hàng quán, siêu thị chưa có nhiều, chợ tỉnh là nơi tập trung hàng hóa, mua bán tấp nập của người dân khắp các vùng trong tỉnh. Gian hàng mã, cau trầu của cụ Diệm, khách không ngớt cả ngày lễ lẫn ngày thường. Những dịp lễ tết như hôm nay, hàng còn không có mà bán. Nhưng những năm gần đây, khách vãn dần.
Cụ cho biết: “Ngày trước mười thì nay chỉ còn một thôi. Người thành phố ít ăn trầu, mà lễ cúng thì người ta tiện đâu mua đấy, chả mấy ai vào chợ tỉnh cho mất công nữa”. Dù buôn bán chẳng còn được là bao nhưng nghỉ buổi chợ nào, cụ lại đi ra đi vào, bứt rứt không thôi. 50 năm gắn bó với nơi này, nó đã trở thành một phần không thể thiếu với cụ Diệm.
Dù không còn bán được nhiều như trước nhưng chị Lan vẫn ngày hai buổi ngồi quạt bánh đa ở chợ tỉnh
Cũng gắn bó với chợ tỉnh như cụ Diệm, chị Lan đã ngồi quạt bánh đa ở đây hơn 20 năm. Chị người làng Tiền Bạt (nay là phường Thạch Quý - TP Hà Tĩnh), nhà bao đời làm nghề bánh đa gia truyền.
Từ thời con gái, chị đã theo nghề của bố mẹ tráng bánh rồi mang ra chợ tỉnh bán. Bánh đa làng Tiền Bạt nổi tiếng nhất vùng, là món quà quê thơm thảo mà những người con xa quê luôn nhớ về. Đặc sản quê cũng theo chân các bà, các chị người làng lên chợ tỉnh, theo thương lái về muôn nơi.
Bếp than đỏ rực, những chiếc bánh phồng rộp, vàng ươm dưới bàn tay quạt trở nhanh nhẹn của chị Lan. Mùi vừng, mùi bánh nướng, mùi của thứ quà quê dân dã thơm lừng cả một góc chợ. “Giờ người ta có đủ thứ của ngon vật lạ, bánh đa không còn là thức quà mang về nhà mỗi lần đi chợ nữa. Nhà tôi bao đời làm bánh nên con cháu vẫn giữ nghề, nhưng chủ yếu là nhập sỉ cho các nhà hàng. Bán lẻ ở chợ không được như ngày trước nhưng vì quen chợ nên ngày nào tôi cũng quạt bánh ở đây” - chị Lan chia sẻ.
Gian hàng mây tre đan lặng lẽ như một nốt trầm giữa khu chợ tỉnh sầm uất
Giữa bộn bề, tấp nập những loại hàng hóa công nghiệp tiện dụng, dãy hàng mây tre đan ở cổng chợ tỉnh như một nốt trầm lặng lẽ. Nong nia, thúng mủng, dần sàng… đủ chủng loại, kích cỡ. Những vật dụng quen thuộc cho công việc nhà nông ở các vùng nông thôn được bày bán ở chợ tỉnh.
Dù không quá đông khách nhưng theo chị Hiền - một người buôn bán mặt hàng này ở đây 25 năm nay thì dù người thành phố không dùng mấy nhưng người dân các vùng lân cận vẫn tìm đến mua.
Bên cạnh những người bán buôn chuyên nghiệp bao năm, đâu đó, vẫn bắt gặp hình ảnh người dân quê mang những thứ hàng hóa có sẵn trong vườn nhà lên chợ tỉnh. Không sạp hàng, không nhiều món, người bán kẻ mua đứng trao đổi ngay góc chợ. Mùa nào thức nấy, rau củ, hoa quả, gà vịt… đã trở nên những thứ quen thuộc.
Cây nhà lá vườn theo chân các bà, các mẹ lên chợ tỉnh
Phiên chợ ngày giáp tết, cạnh những gà vịt, rau trái, bà Liệu (phường Thạch Linh - TP Hà Tĩnh) mang hai chú cún con ra cổng chợ “chào hàng”. Dù không là mặt hàng phổ biến nhưng vừa lên đến chợ, đã có những người khách đầu tiên hỏi han. Một vài cuộc ngả giá, mua bán diễn ra. Sau một hồi ngắm nghía, xem kỹ bộ lông, cặp chân, đôi tai, hai chú cún xinh xắn, đáng yêu đã có chủ mới. Bà Liệu chia sẻ: “Con chó mạ sinh 4 con, tôi bán bớt chứ không nuôi được nhiều thế! Bán nhanh để còn đi sắm tết”.
Theo thời gian, qua bao đổi thay, vẫn còn đó những gian hàng chợ quê như những nét chấm phá trầm mặc giữa muôn màu của khu chợ tỉnh sầm uất. Thiếu đi những gam màu đó, chợ tỉnh sẽ không còn níu giữ được cái vẻ mộc mạc, bình dị.