Chị Thảo (thôn Thanh Lương – Phù Lưu) cho biết, nhà chồng chị đã ba đời làm nghề bánh lá. Ngày trước, ông bà, bố mẹ chồng chị làm nhiều loại bánh như bánh đúc, bánh nếp, bánh gói, bánh rán... 7 người con trong gia đình cũng được học nghề từ cha mẹ mình. Nghề làm bánh dù không giàu, nhưng người dân nơi đây cũng đủ sống và những đứa trẻ của làng vẫn lớn lên, học hành thành đạt từ những mẻ bánh của bà, của mẹ.
Nguyên liệu chủ yếu để làm ra các loại bánh lá là gạo tẻ, gạo nếp loại ngon.
Vào thời kỳ “hoàng kim” của nghề làm bánh, hai làng Thanh Hòa và Thanh Lương thậm thịch tiếng chày giã bột, thơm lừng mùi đậu xanh đồ chín. Từ 3h sáng, bếp củi đã đỏ lửa, những nồi bánh nghi ngút khói, tiếng nói cười rôm rả. Đàn ông, đàn bà và cả trẻ con cùng khuấy bột, làm nhân, gói bánh nhanh tay cho kịp buổi chợ sớm mai. Trời hửng sáng cũng là lúc những thúng bánh theo chân những người đàn bà trong làng ngược lên chợ Cồn (Thạch Mỹ), chợ Phủ (Thạch Châu), ra cảng cá (Thạch Kim), xuống làng muối Hộ Độ…
Ngày đó, bánh lá là thức quà không thể thiếu của trẻ con mỗi vùng quê khi ngóng mẹ đi chợ về. Vào những dịp lễ tết, ngày rằm, người dân còn đặt mua để cúng ông bà tổ tiên, làm quà biếu… Làm bánh lá ngày đấy không chỉ là một cái nghề để mưu sinh mà còn như một nét văn hóa truyền thống của làng.
Làm bánh lá phải qua nhiều công đoạn, trong đó, nhào bột là khâu quan trọng nhất.
Để làm ra những chiếc bánh đúc, bánh nếp dẻo ngon thì công sức, tâm huyết của người làm bánh bỏ ra không hề ít. Nhiều công đoạn đòi hỏi ở người làm bánh sự cầu kỳ, khéo léo, tinh tế, giàu kinh nghiệm.
Từ khâu chọn nguyên liệu đã thấy được sự công phu của nghề làm bánh lá. Gạo làm bánh phải chọn loại gạo tẻ thơm, dẻo đem ngâm 3-4 tiếng rồi xay thành bột, sau đó mới rây để lấy được thứ bột mịn đem nhào kỹ với nước. Công đoạn nhào bột cũng mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi người làm phải căn cho đủ lượng nước vừa đủ. Nếu bột ướt, bánh sẽ bị nhão, vắt không thành hình và khi hấp chín sẽ bị vữa; bột khô thì bánh lại cứng, ăn không ngon.
Nhân bánh làm từ đậu xanh lòng vàng được đồ lên thật bở, xéo kỹ sao cho đậu vừa mềm, vừa quánh, viên thành từng viên nhỏ. Bánh sau khi gói trong lá chuối tươi sẽ được cho vào nồi gang hấp chín, ép kỹ rồi mới mang ra chợ bán.
Để làm ra các loại bánh lá, người làm phải thao tác thủ công, tốn nhiều thời gian và công sức nhưng lợi nhuận lại chẳng đáng là bao.
Vất vả, kỳ công là vậy nhưng một chiếc bánh lá thành phẩm hiện nay chỉ có giá vài ba nghìn đồng, trừ chi phí thì gần như lấy công làm lãi chứ không đáng là bao.
Bà Tương - một người làm bánh ở thôn Thanh Lương than thở: “Giờ người ta có đủ thứ quà bánh, mấy ai ăn bánh đúc, bánh nếp nữa. Một ngày tôi chỉ làm ít cân gạo để có hàng mang ra chợ thôi chứ bán buôn chẳng được ăn thua chi”.
Bà nhẩm tính, 1 kg gạo làm ra được khoảng 20 chiếc bánh, cộng thêm những chi phí phát sinh khác thì một buổi chợ chỉ kiếm được 30 – 50 nghìn đồng. “Đấy là hôm đắt hàng, chứ có những buổi chợ bánh ế thì không những không có lãi mà còn lỗ vốn” – bà Tương chia sẻ.
Đã qua thời "hoàng kim", hàng bánh lá vắng người mua
Nhà bà Tương, chị Thảo là số ít hộ còn làm bánh thường xuyên để đi chợ phiên, nhiều gia đình ở làng bao đời làm bánh nhưng giờ chỉ làm cầm chừng, buổi đực buổi cái hoặc có khách đặt hàng mới làm.
Ông Phan Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Phù Lưu (Lộc Hà) cho biết: “Hiện cả xã chỉ còn khoảng vài chục hộ theo nghề này nhưng quy mô rất nhỏ. Nghề làm các loại bánh lá yêu cầu thao tác thủ công nên tốn nhiều công sức, trong khi nhu cầu tiêu thụ không cao, lợi nhuận lại thấp nên không khuyến khích được bà con phát triển sản xuất. Những hộ còn duy trì được nghề chủ yếu là muốn giữ nghề gia truyền của cha ông như một sự lưu giữ nét văn hóa truyền thống chứ xét về giá trị kinh tế thì không lớn. Người dân cũng đã bắt đầu tìm những nghề phụ như bóc lạc nhân, phụ hồ... để kiếm thêm thu nhập"