Theo phản ánh, khối doanh nghiệp may mặc tham gia xuất khẩu ghi nhận tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trong thời gian dài. Hiện nay, hàng loạt đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng khá lớn, song việc tuyển mới lại rất khó khăn.
Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh (CCN Nam Hồng) chuyên may gia công găng tay thể thao, găng tay bảo hộ lao động và quần áo xuất khẩu sang Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Với chính sách đa dạng hóa khách hàng, doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng đến hết năm 2025, trong đó mở rộng sang các thị trường mới như: Singapore, Trung Quốc... Nhu cầu của đối tác khá lớn, tuy nhiên do hạn chế về nguồn lao động nên phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Được biết, thời gian qua, Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh triển khai các giải pháp nhằm tuyển dụng lao động mới song kết quả vẫn chưa được khả quan. Để đáp ứng dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp này đang cần tuyển khoảng 200 lao động…
Tương tự, nhiều doanh nghiệp may mặc xuất khẩu cũng đang "đỏ mắt" tìm lao động. Cụ thể như: Nhà máy May Pro Sports Nghi Xuân (xã Tiên Điền) cần tuyển 500 lao động; Công ty CP May xuất khẩu MTV (CCN Bắc Cẩm Xuyên) cần tuyển 100 lao động; Công ty TNHH Appareltech Hà Tĩnh (CCN Đức Thọ) cần tuyển 150 lao động...
Chị Nguyễn Thị Sang (xã Can Lộc) chia sẻ: "Tôi từng là công nhân nhà máy ở TP Hà Nội. Vì hoàn cảnh gia đình nên năm ngoái tôi chuyển về Hà Tĩnh sinh sống và làm việc. Ban đầu tôi cũng nộp đơn xin làm công nhân may mặc, tuy nhiên mức lương chưa xứng đáng với sức lao động bỏ ra nên tôi đã quyết định nghỉ việc".
Ngoài khối doanh nghiệp may mặc, các doanh nghiệp sản xuất, tham gia xuất khẩu cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng tới kết quả sản xuất, kinh doanh.
Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh (phường Vũng Áng) chuyên sản xuất, xuất khẩu sushi sang thị trường Nhật Bản. Năm nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc hơn do số lượng đơn hàng xuất khẩu gia tăng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay mà đơn vị đang phải đối mặt là thiếu hụt nguồn lao động.
Được biết, nhu cầu của các đối tác từ Nhật Bản đặt ra đối với Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh là sản xuất trên 4 tấn mực nguyên liệu/ngày, tuy nhiên, với 200 lao động, hiện nay doanh nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng 50% sản lượng.

Ông Phạm Văn Túc – Giám đốc khối tổng hợp (Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh) cho biết: "5 tháng đầu năm 2025, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động để đầu tư thay mới dây chuyền máy móc, thiết bị, tăng công suất sản xuất. Từ tháng 6/2025, công ty quay lại sản xuất và gặp khó khăn do số lượng lao động cũ “nhảy việc”. Những ngày đầu vận hành trở lại, đơn vị chỉ thu hút được 70 lao động, trì trật mãi mới tuyển lên được 200 lao động với mức lương bình quân từ 7-9 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, các đối tác ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... đang đặt thêm mặt hàng mực, tôm, cá tẩm bột, song với thực trạng thiếu hụt lao động thì chúng tôi rất khó để triển khai".
Cũng theo ông Phạm Văn Túc, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh đang tuyển khoảng 120 lao động. Mặc dù lao động trên địa bàn khá dồi dào song nhiều người lại không mặn mà ứng tuyển. Nguyên nhân là do môi trường làm việc của công ty đặc thù trong phòng lạnh, phải đứng suốt thời gian làm việc nên nhiều người lao động ngại vất vả. Cộng với đó, hiện nay, các doanh nghiệp trong KKT Vũng Áng đã vận hành sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh càng khiến cho tỷ lệ tuyển dụng mới của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh “nhỏ giọt”. Để thu hút lao động, doanh nghiệp tiếp tục chú trọng đảm bảo chế độ cho người lao động, hỗ trợ đóng nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; miễn phí ăn trưa; bố trí xe đưa đón lao động ở xa, bố trí phòng cho công nhân nghỉ ca, bố trí 20 phòng trọ cho công nhân ở xa có nhu cầu ở lại.
Lâu nay, Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (xã Đức Thọ) cũng đang cần tuyển mới khoảng 60 lao động để đáp ứng dây chuyền sản xuất phục vụ thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian dài doanh nghiệp vẫn khó thu hút lao động.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Bao bì Sông La Xanh cho biết: Hiện nay, mức lương bình quân của doanh nghiệp là 7,5 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp thu hút lao động như: Đối với lao động mới được hỗ trợ 4 tháng lương cơ bản, hỗ trợ tiền ăn ca, xăng xe, bảo hộ lao động, đảm bảo đầy đủ chế độ cho người lao động... Tuy vậy, việc tuyển dụng lao động mới còn rất chật vật. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều lao động trẻ ở Hà Tĩnh lựa chọn con đường xuất khẩu lao động, đi làm việc ở các thành phố lớn trong nước; trong khi đó lao động ở khu vực nông thôn có nhu cầu lại đã quá tuổi, một số lao động hạn chế về trình độ, kỹ năng…
Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, hiện có 82 doanh nghiệp trên địa bàn đang có nhu cầu tuyển dụng với 6.830 lao động. Dân số của Hà Tĩnh hiện nay hơn 1,6 triệu người, trong đó lực lượng lao động dồi dào. Tuy nhiên, nhiều năm nay, hàng loạt doanh nghiệp vẫn trong tình trạng “đỏ mắt tìm lao động”. Thực trạng này cho thấy hạn chế về chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp và những “điểm yếu” của lực lượng lao động địa phương dẫn tới lãng phí nguồn nhân lực.
Lý giải thực trạng nhiều doanh nghiệp tại Hà Tĩnh thiếu lao động nhưng lại rất khó tuyển dụng, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh cho rằng: Nhìn chung, mức lương vùng ở Hà Tĩnh đang còn thấp so với các tỉnh và thành phố lớn; chế độ phúc lợi, môi trường làm việc của các doanh nghiệp trên địa bàn chưa đảm bảo để thu hút và giữ chân được người lao động; yêu cầu công việc cao so với mức lương trả cho lao động. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp thiếu chính sách giữ chân người lao động như: thưởng năng suất, đào tạo nghề, tạo môi trường làm việc thân thiện…; nhiều doanh nghiệp chưa phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng, hình ảnh của mình đến tận người lao động.
Về phía người lao động, một bộ phận có nhu cầu song đã quá tuổi lao động, một bộ phận chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, thiếu năng lực, kỹ năng và ngại thay đổi nên chưa đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng đề ra.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, để sớm cải thiện tình hình, thu hút lao động, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh cần đưa ra thông tin, hình ảnh chính xác về công việc đang tuyển dụng để tránh tình trạng lao động vừa nhận việc xong lại nghỉ việc ngay vì họ cảm thấy việc làm không phù hợp và thông tin sai lệch về công ty, doanh nghiệp.
Về giải pháp “dài hơi”, các doanh nghiệp cần nâng cao chế độ phúc lợi, tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động để thu hút và giữ chân lao động ở lại làm việc. Đồng thời, có chính sách đào tạo nội bộ hoặc kết nối với các cơ sở đào tạo để nâng cao tay nghề cho lao động; có chính sách khen thưởng theo năng lực, cam kết thăng tiến rõ ràng; cần tạo cơ chế góp ý, ghi nhận người lao động để họ cảm thấy được lắng nghe, tạo động lực gắn bó lâu dài...