Mong nhớ tết quê…

(Baohatinh.vn) - Khi ngày tháng bắt đầu được tính bằng lịch âm và tháng 12 được gọi tên là tháng Chạp, ấy cũng là lúc trong lòng người lại dậy lên những ký ức, những mong nhớ, đợi chờ tết đến. Những đứa con phương xa, những ông bố, bà mẹ quê lại lục tục sửa soạn để trở về, để đón nhận hoặc giả cũng để vơi đi nỗi nhớ quê nhà trong cách trở núi sông, biển cả…

Mong nhớ tết quê…

Hương vị tết Việt Nam

Tết Nguyên đán - ngày lễ truyền thống lớn nhất trong năm, đậm nét văn hóa của dân tộc Việt, là dịp để sum họp, để thực hiện những lễ nghi truyền thống. Nhiều người còn coi Tết là dịp để xóa bỏ những vận hạn, xui xẻo, đón chào năm mới hanh thông, may mắn. Chính vì vậy, dù làm đâu, chơi đâu, cứ đến dịp tết cổ truyền là người Việt tứ xứ lại mong muốn được trở về sum họp gia đình, bái tạ tổ tiên và đi lễ chùa, đền.

Dù giàu, dù nghèo, ai ai cũng chộn rộn sửa soạn đón tết theo phong tục của cha ông, đó là trang hoàng nhà cửa, bày biện ban thờ, sửa soạn thực phẩm, gói bánh chưng, nấu nồi chè, làm cây nêu, tảo mộ, thăm thú họ hàng hay đơn giản chỉ là đốt một cây hương trầm ấm áp… Chừng ấy công việc khiến cho tháng Chạp như ngưng lại trong niềm thành kính, thiêng liêng.

Chị Nguyễn Thị Hiền ở Iagrai (Gia Lai) xa quê đã gần 20 năm. Cũng chừng ấy năm, gia đình chị cố gắng dành dụm để năm nào cũng đưa con cái về quê ăn tết bên ông bà nội ngoại. Chị cho biết: “Tôi làm công nhân Công ty 715, quanh năm đầu tắt mặt tối, hàng xóm cũng chủ yếu người ngoài Bắc vào, tết nào xóm tôi cũng vắng hoe vắng hoắt vì các gia đình rủ nhau về quê ăn tết hết. Cứ đầu tháng Chạp là chúng tôi đã bắt đầu sửa soạn để về tết. Làm ăn ở đây có năm được, năm mất nhưng từ đầu năm tôi đã có kế hoạch dành dụm một khoản tiền để làm lộ phí rồi, bởi với người xa quê như chúng tôi, được sum vầy bên người thân là điều vô cùng quý giá, nhất là khi cha mẹ còn mạnh khỏe”.

Mong nhớ tết quê…

Gia đình chị Sông Hương sống tại Paris (Pháp) gói bánh chưng đón tết Việt.

Tết quê với những phong tục tập quán cổ truyền như đi chợ tết, gói bánh chưng với cha mẹ, quết chả làm giò, muối dưa món, dưa hành… luôn là ký ức đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất đối với người xa xứ. Vậy nhưng, không phải ai cũng có cơ hội được trở về quây quần bên gia đình đúng vào dịp tết. Chính vì vậy, tết lại càng trở về da diết hơn trong nỗi nhớ mong của họ. Nhất là trong khoảnh khắc giao thừa. Nỗi nhớ mẹ cha và quê hương xứ sở cứ cồn lên da diết.

Định cư ở Paris (Pháp) đã 18 năm, chưa một lần nào gia đình chị Sông Hương có cơ hội trở về quê nhà đúng dịp tết. Chị Hương cho biết: “Dù không được về đón tết cùng cha và anh em họ hàng nhưng ở bên này, vợ chồng tôi cũng sửa soạn đầy đủ lễ vật để đón tết. Chồng tôi đi chợ mua về cành đào, cành mai, còn tôi mua các loại thực phẩm để chế biến những món ăn truyền thống của Hà Tĩnh. Áp tết, gia đình tôi lại quây quần ngồi gói bánh chưng, ít thôi nhưng ấm áp vô cùng. Dẫu vậy, nỗi nhớ tết quê, nỗi nhớ cha, nhớ phút giao thừa sum vầy bên nhau vẫn không thể nào khỏa lấp được. 18 năm rồi, về quê ăn tết luôn là niềm mong ước xa vời của tôi”.

Mong nhớ tết quê…

Bà Lê Thị Sơn (thị trấn Đức Thọ) chuẩn bị vườn rau để đón con cháu về ăn tết

Tháng Chạp, kéo cái lạnh se se về giữa nhân gian. Khí trời ấy mới thật hợp cho những sửa soạn làm ấm áp lòng nhau. Ở khắp các miền quê, các bà mẹ đã chuẩn bị nào đàn gà, nào vườn rau, đã kịp hẹn với hàng xóm đụng lợn, đụng bò để nấu những món ăn truyền thống đón con cháu về ăn tết. Bà Lê Thị Sơn ở tổ dân phố 1, thị trấn Đức Thọ cho biết: “Nhà tôi có 3 đứa con đi làm ăn xa, tết này là tết hiếm hoi các con cháu của tôi cùng sum họp. Chính vì thế, tôi đã có kế hoạch đón tết từ đầu năm, cũng may là đàn gà mà tôi nuôi đều khỏe mạnh, vừa lớn đúng dịp tết, cả vườn rau cũng lên xanh vừa kịp ăn tết. Có con cháu về cùng quây quần thì tết mới thật là tết”.

Không chỉ mong ước trở về để được quây quần, sum họp bên gia đình, nhiều người con đi xa còn mong ngóng trở về để được tham gia các sinh hoạt cộng đồng, ngắm nhìn quê hương đổi mới và góp chút công sức của mình xây dựng quê hương. Và, cũng không chỉ có người thân mới sửa soạn để đón con cái, cháu chắt, họ hàng mình, hàng năm, UBND tỉnh và chính quyền địa phương các cấp đều tổ chức gặp mặt kiều bào, con em xa quê đầy thân mật và trân trọng.

Những cuộc gặp đầy thân tình ấy là nơi khai sinh những tâm tư, tình cảm, những mong ước và cả những tâm huyết, những sẻ chia của quê hương với con em xa quê và ngược lại. Chính vì vậy mà sau mỗi lần trở về của con em quê hương, rất nhiều công trình, dự án đã được đầu tư. Nhờ đó, diện mạo kinh tế, cơ sở hạ tầng, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh, của huyện, của các làng, xã đều có những bước thay đổi to lớn.

Mong nhớ tết quê…

Sự chung sức của con em xa quê góp phần để bộ mặt NTM xã Hương Thọ ngày càng khởi sắc

Ông Nguyễn Hữu Cần - Chủ tịch Hội đồng hương xã Hương Thọ và huyện Vũ Quang tại Hà Nội cho biết: “Là con em xa quê, trở về quê hương, thấy quê hương đang đổi thay từng ngày, chúng tôi đều mong muốn được góp sức mình xây dựng quê nhà. Trong những dịp về tết, qua cuộc gặp mặt với chính quyền địa phương, chúng tôi đã đề xuất được hỗ trợ xây dựng nông thôn mới bằng những công trình cụ thể. Bằng hình thức người ở thôn nào ủng hộ thôn đó, con em xa quê khắp mọi miền đất nước và nước ngoài đã quyên góp xây dựng các đường điện thắp sáng làng quê, nhà văn hóa thôn và trang bị các thiết chế văn hóa cho thôn”.

Tết là phiên khúc của sum vầy, hội ngộ. Chẳng những thế mà ngay từ đầu Chạp, khắp làng trên xóm dưới đã xôn xao những hỏi han, rằng con nhà nọ, cháu nhà kia có về tết không. Trong lòng người ở và người về đã chộn rộn những mong ngóng, đợi chờ, đã rộn rã những mường tượng phút giây được gói bánh cùng mẹ cha, được quây quần cùng anh em bên nồi bánh chưng chờ trời sáng, được gặp lại bạn bè thuở ấu thơ, được thảnh thơi du xuân giữa bình yên quê nhà… Và để cảm nhận niềm hạnh phúc khi công sức của mình đã hiện diện trên gương mặt quê hương.

Chủ đề Chào năm mới 2020

Đọc thêm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực cùng ngoại hình xinh đẹp, nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của Sao Mai xứ Nghệ 2024 để đoạt giải quán quân một cách đầy thuyết phục.
7 năm cõng bạn vào lớp

7 năm cõng bạn vào lớp

Trong suốt 7 năm, hành trình gắn bó với con chữ của Lê Xuân Thịnh Hưng (lớp 10A6, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn có sự đồng hành của 2 bạn Đức Công và Nhật Hào.
Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những làn điệu ví, giặm ngọt ngào đang ngày ngày được lan tỏa nhờ các tài năng nhí ở Hà Tĩnh. Giọng hát của các em góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.
Tuổi cao nêu gương sáng

Tuổi cao nêu gương sáng

Không chỉ có lối sống mẫu mực, giáo dục con cháu sống hiếu thuận, nhiều người cao tuổi ở Hà Tĩnh còn đi đầu, bước trước, thể hiện vai trò nêu gương sáng trong cộng đồng.
Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Hà Tĩnh là vùng đất cổ, có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, chính trị... nhưng đến nay vẫn chưa có công trình địa chí tổng quan về văn hóa, con người núi Hồng, sông La.