Thăm Khu di tích Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

(Baohatinh.vn) - Tròn 90 năm cố Tổng Bí thư Trần Phú (quê quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) hy sinh nhưng tinh thần, chí khí bất tử của đồng chí vẫn luôn là tấm gương sáng rọi cho muôn thế hệ sau học tập, noi theo.

Video: Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú.

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 10/1930, tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc) đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí mất ngày 6/9/1931, sau khi bị thực dân Pháp bắt và tra tấn dã man.

Quần thể Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ được chia làm 2 phần: khu mộ và khu lưu niệm.

Khu mộ đồng chí Trần Phú đặt trên đồi Quần Hội, có diện tích hơn 47.000m2, hướng nhìn ra bến Tam Soa. Khu mộ khởi công xây dựng vào tháng 1/2000 và hoàn thành vào tháng 4/2004, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Trước đó, hài cốt đồng chí Trần Phú được tìm thấy tại công viên Lê Thị Riêng ở thành phố Hồ Chí Minh.

Sáng ngày 12/1/1999, tại dinh Thống Nhất - thành phố Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú về an táng tại quê hương Tùng Ảnh.

Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú nằm yên bình giữa những hàng thông xanh ngát.

Mỗi năm, có khoảng một vạn khách trong nước và quốc tế đến Khu di tích tham quan, thắp hương tri ân, học tập và nghiên cứu. Năm nay, do dịch bệnh nên lượng khách đến khu di tích đã giảm nhiều.

Các bậc thang lên xuống khu mộ được làm bằng đá xanh, xung quanh khuôn viên cây xanh bao phủ.

Trước khu mộ, ở phía bên trái là nhà bia tiểu sử ghi lại quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú.

Ở bên phải, phía sau khu mộ là phần mộ các cụ thân sinh đồng chí Trần Phú - ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát.

Phía trái khu lăng mộ đồng chí Trần Phú là phần mộ người em trai út Trần Ngọc Danh.

Từ bên trong khu mộ nhìn ra hướng cổng, nổi bật lên dòng chữ “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”. Phía trước chính là bến Tam Soa nơi hợp lưu 2 dòng Ngàn Sâu, Ngàn Phố thành sông La xuôi ra biển lớn.

Khuôn viên khu lăng mộ cố Tổng Bí thư được bao quanh bởi lớp lớp cây xanh. Phần lớn trong số đó là cây được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng lưu niệm khi tới đây.

Trong khuôn viên khu mộ còn có một hồ nước và ngôi nhà nổi ở mặt hồ làm điểm dừng chân nghỉ ngơi cho du khách vãn cảnh.

Khu mộ không chỉ được sự chăm sóc của các cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu di tích mà còn là điểm đến thể hiện tấm lòng tri ân của các bạn trẻ trên quê hương Đức Thọ.

Cách khu lăng mộ gần 1km là khu nhà thờ và nhà trưng bày lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú với tổng diện tích trên 4.600m2.

Khu nhà thờ do cụ Trần Viết Tân - cố nội Tổng Bí thư xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 15 (Nhâm Tuất 1862). Từ đó đến nay, nhà thờ đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo và luôn được các thế hệ con cháu chăm sóc.

Nhà thờ được bao bọc bởi các cây xanh trong vườn xưa do các cụ trong dòng họ Trần để lại.

Trong khuôn viên này còn có nhà lưu niệm, trưng bày hơn 100 tài liệu, hiện vật về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư.

Đây trở thành điểm đến học tập truyền thống của các thế hệ người dân Việt Nam nói chung và các đoàn viên thanh niên trong cả nước nói riêng.

Bước vào nhà trưng bày, hình ảnh đầu tiên là tượng đồng chí Trần Phú đúc bằng đồng, phía sau là đoạn trích từ Luận cương Chính trị.

Những đường lối cơ bản của Luận cương Chính trị cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Rương gỗ được đồng chí Trần Phú dùng trong thời kỳ dạy học ở Vinh từ năm 1922 - 1925. Đây là hiện vật gốc duy nhất trong nhà lưu niệm.

Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Đồng chí Trần Phú là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em; bố là nhà nho Trần Văn Phổ, mẹ tên là Hoàng Thị Cát.

Năm 1925, đồng chí cùng một số người Việt Nam yêu nước sáng lập Hội Phục Việt, sau đổi là Hội Hưng Nam rồi lại đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng.

Tháng 10/1930, đồng chí chủ trì Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc) và đề ra Luận cương Chính trị của Đảng. Tại hội nghị này, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Ngày 6/9/1931, bị thực dân Pháp bắt và tra tấn dã man nhưng đồng chí Trần Phú vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Đồng chí đã hy sinh khi vừa tròn 27 tuổi với câu nói bất hủ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Chủ đề Điểm du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói