Tháo gỡ khó khăn, sớm đưa sản phẩm OCOP Hà Tĩnh bắt nhịp phát triển

(Baohatinh.vn) - Thiếu mặt bằng sản xuất, chưa có phương án, kỹ thuật phát triển chất lượng sản phẩm, hồ sơ sản phẩm còn thiếu… đang là những hạn chế trong triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại Hà Tĩnh.

Tháo gỡ khó khăn, sớm đưa sản phẩm OCOP Hà Tĩnh bắt nhịp phát triển

Cơ sở sản xuất nước mắm của HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng hiện đang khá chật hẹp, cần mở rộng diện tích để nâng cấp khu sản xuất, đóng gói, bảo quản sản phẩm... đáp ứng yêu cầu OCOP.

Đi lên từ nghề sản xuất nước mắm truyền thống và từng bước tạo được thương hiệu trên thị trường, năm 2019, sản phẩm nước mắm Luận Nghiệp của HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (Kỳ Ninh) đã được TX Kỳ Anh lựa chọn tham gia chương rình OCOP. HTX đã được tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm và tham gia các hội chợ thương mại... Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, khó khăn vướng, mắc đối với HTX Chiến Thắng đó là mặt bằng sản xuất để đảm bảo quy trình khép kín theo tiêu chuẩn OCOP. “Hiện tại, chúng tôi đang sản xuất tại nhà, tổng diện tích sản xuất mới khoảng 500 m2. Đối với nghề sản xuất nước mắm như thế là chật hẹp. Vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị với địa phương tạo điều kiện cấp đất mở rộng mặt bằng sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa xong” – chị Đặng Thị Bình, Phó Giám đốc HTX Chiến Thắng cho biết.

Tháo gỡ khó khăn, sớm đưa sản phẩm OCOP Hà Tĩnh bắt nhịp phát triển

Sau gần 2 năm đề xuất cấp đất để xây dựng kho bảo quản, chế biến sản phẩm (cam Thượng Lộc), nhưng đến nay, HTX Trà Sơn (xã Thượng Lộc – Can Lộc) vẫn chưa được cấp đất.

Cùng chung cảnh thiếu mặt bằng để xây dựng kho chứa sản phẩm sau thu hoạch, sản phẩm cam Thượng Lộc của HTX Trà Sơn (xã Thượng Lộc – Can Lộc) cũng đang gặp khó trong việc tham gia OCOP. Anh Nguyễn Xuân Hoàng – cán bộ HTX Trà Sơn cho biết, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, đặc biệt là đối với trái cây là 1 trong những khâu quan trọng. Những lúc chính vụ, số lượng thu hoạch lớn, nếu không có kho bảo quản 1 thời gian thì rất dễ bị thương lái ép giá. Vì vậy, mong muốn của HTX là được địa phương tạo điều kiện giải phóng mặt bằng, cấp đất xây dựng kho, nhưng qua 2 năm làm hồ sơ, đến nay vẫn chưa xong.

Tương tự, HTX Sản xuất nông nghiệp Yên Hồ (Đức Thọ) cũng đang vướng thủ tục chuyển nhượng đất ruộng. Mặc dù huyện đưa vào tham gia OCOP (sản phẩm lúa hữu cơ, rươi) nhưng HTX lại chưa đủ đất sản xuất.

Không chỉ khó khăn từ mặt bằng, đất sản xuất, hiện một số chủ cơ sở có sản phẩm được các địa phương lựa chọn tham gia OCOP vẫn đang lúng túng trong việc xây dựng phương án và dự toán sản phẩm. Bên cạnh đó, việc xây dựng hồ sơ sản phẩm còn thiếu nhiều, chủ yếu sản xuất theo thị trường nhưng chưa quan tâm đến hồ sơ sản phẩm.

“Một số cơ sở sản xuất chưa nhận thức rõ trách nhiệm của đơn vị khi tham gia chương trình OCOP và coi đây là một cuộc đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, một số nội dung đề xuất trong phương án sản xuất, kinh doanh không phù hợp với năng lực, quy mô sản xuất, giá trị sản phẩm, tổng mức đề xuất hỗ trợ cao hơn rất nhiều so với tổng nhu cầu thực tế trong sản xuất sản phẩm khi tham gia chương trình” – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Hoàng Anh Lê Thị Thêm cho biết.

Tháo gỡ khó khăn, sớm đưa sản phẩm OCOP Hà Tĩnh bắt nhịp phát triển

HTX Sản xuất nông nghiệp Yên Hồ (Đức Thọ) đang gặp khó khăn trong việc làm hồ sơ, thủ tục chuyển nhượng đất ruộng.

Sau hơn 1 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay có 112 sản phẩm, mô hình đăng ký tham gia, trong đó có 88 sản phẩm, mô hình đã có phương án sản xuất kinh doanh đủ điều kiện. Mặc dù, Hà Tĩnh là tỉnh “khởi động” chương trình OCOP khá sớm nhưng đến nay vẫn chưa có sản phẩm nào đóng dấu “OCOP”.

Ông Trần Huy Oánh – Chánh Văn phòng NTM Hà Tĩnh cho biết, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai chương trình OCOP kịp tiến độ, vừa qua, Văn phòng NTM tỉnh và Tổ xây dựng Đề án OCOP tỉnh đề nghị tỉnh hỗ trợ các huyện, thành phố, thị xã kết nối cùng đơn vị tư vấn để hỗ trợ chủ cơ sở phát triển sản phẩm theo các nội dung, phương án được phê duyệt; hình thành các điểm, hệ thống giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, đối với các chủ thể đăng ký tham gia OCOP phải chịu trách nhiệm về quyết định phương án sản xuất kinh doanh của mình. Các chủ thể cần xác định chiến lược kinh doanh đảm bảo thiết thực, khả thi, hiệu quả và đủ năng lực để thực hiện. Cân nhắc kỹ việc đầu tư để đưa lại hiệu quả cả trước mắt và lâu dài, tránh tư tưởng vì có ngân sách hỗ trợ mà đầu tư…

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.
Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

Từ ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân mở thêm Phòng khám Nhi khoa do các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi trung ương đảm nhận. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhi khoa ban đầu" tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân gian đoạn 2019 – 2021.
5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.