Những gia đình di cư tự tìm tới Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ để tìm kiếm nơi tỵ nạn sau khi vượt biên bất hợp pháp vào Hidalgo, bang Texas ngày 23/8/2019. (Ảnh: Reuters)
19 bang và WDC kiện Tổng thống Trump về quy định bắt giữ người nhập cư: Các Tổng chưởng lý của 19 bang và thủ đô Washington DC đã kiện chính quyền Tổng thống Trump hôm 26/8 nhằm ngăn cản quy định mới về việc bắt giữ vô thời hạn các gia đình nhập cư trái phép vào Mỹ.
Đơn kiện được nộp lên Tòa sơ thẩm liên bang ở Los Angeles này là động thái đầu tiên trong nỗ lực nhằm ngăn cản quy định mới sẽ có hiệu lực vào tháng 10 tới. Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào.
Quy định mới này của chính quyền Tổng thống Trump đã thay đổi thỏa thuận năm 1997, còn được biết tới là thỏa thuận Flores cho phép chính quyền chỉ được giam giữ những đứa trẻ 20 ngày tại các nơi bắt giữ người nhập cư. Thỏa thuận này đã được mở rộng năm 2015 và áp dụng không chỉ với những đứa trẻ không có người lớn đi cùng mà còn cả với những đứa trẻ đi cùng cha mẹ.
Khói lửa bốc lên ngùn ngụt từ đám cháy rừng Amazon tại Nova Santa Helena, bang Mato Grosso, Brazil ngày 23/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Gồng mình đối phó với cháy rừng, Brazil vẫn từ chối sự hỗ trợ của G7: Ngày 26/8, Chính phủ Brazil đã từ chối nhận khoản hỗ trợ 20 triệu USD của các nước thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) để tiến hành các nỗ lực dập đám cháy rừng Amazon.
Trong một tuyên bố đăng trên trang tin G1, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Brazil - ông Onyx Lorenzoni nêu rõ nước này đánh giá cao (đề xuất), nhưng sẽ là phù hợp hơn nếu nguồn tài chính này dành cho công tác "trồng rừng ở châu Âu".
Theo BBC News, đề cập đến vấn đề này trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Brazil Bolsonaro cho rằng kế hoạch lập "liên minh" để cứu rừng Amazon của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron coi quốc gia Nam Mỹ này "như thể chúng tôi là một thuộc địa hay một vùng đất không người".
Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhật Bản khẳng định xúc tiến kế hoạch loại Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng": Ngày 27/8, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko khẳng định Nhật Bản sẽ xúc tiến kế hoạch loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách đối tác thương mại đang tin cậy.
Như vậy, Nhật Bản sẽ loại Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" gồm 27 quốc gia được giảm đến mức tối thiểu những hạn chế xuất khẩu đối với các mặt hàng nhạy cảm, trong đó có linh kiện điện tử. Với những quốc gia không thuộc danh sách này, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ xem xét phê duyệt từng lô hàng trước khi xuất khẩu.
Quyết định loại Hàn Quốc khỏi danh sách này sẽ chính thức có hiệu lực từ đêm 27/8, sau khi đã được Nội các của Thủ tướng Nhạt Bản Shindo Abe thông qua hồi đầu tháng.
Phía Hàn Quốc đã phản ứng mạnh mẽ về động thái trên của Nhật Bản. Tuần trước, Seoul tuyên bố sẽ chấm dứt hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Tokyo. Ngày 26/8, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yeon cho biết có thể cân nhắc lại quyết định chấm dứt hiệp ước này nếu Tokyo hủy các biện pháp hạn chế thương mại đối với Hàn Quốc.
Máy bay vận tải quân sự Antonov của Nga chở hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 hạ cánh tại căn cứ không quân Murted ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/7/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thổ Nhĩ Kỳ nhận tiếp lô hàng S-400 thứ hai từ Nga: “Hôm nay, công tác chuyển giao lần hai các bộ phận cho hệ thống tên lửa phòng không S-400 chính thức được triển khai. Một máy bay Nga đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Murted tại tỉnh Ankara. Quá trình chuyển giao sẽ tiếp tục trong một tháng”, Đài Sputnik dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 27/8 đưa tin.
Trước đó, vào tháng Bảy, Bộ trên cũng thông báo việc chuyển giao lô hàng đầu tiên của hệ thống phòng không S-400 hoàn tất.
Diễn biến xảy ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn còn nhiều bất đồng liên quan đến thương vụ mua S-400 của Nga.
Để đáp trả việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm theo đuổi hợp đồng S-400 với Nga, Washington đã loại Ankara ra khỏi chương trình phát triển chiến đấu cơ F-35 thế hệ 5 của Mỹ và rút lời mời Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của nước này.
Hiện điểm đến của tàu chở dầu Adrian Darya vẫn còn là một ẩn số. (Ảnh: AFP)
Tàu Iran Adrian Darya vẫn giữ bí mật điểm đến sau khi bán hết dầu: Chính phủ Iran thông báo nước này đã bán hết 2 triệu thùng dầu thô trên siêu tàu chở dầu Adrian Darya chỉ một tuần sau khi con tàu được Gibraltar – lãnh thổ hại ngoại Anh - trả tự do.
Hãng thông tấn Iran IRIB trích lời phát ngôn viên chính phủ ngày 26/8 cho biết bên mua dầu sẽ quyết định điểm đến của con tàu này. Tuy nhiên, vị quan chức trên không tiết lộ địa điểm cũng như nhân vật mua dầu của tàu Adrian Darya.
Sau khi Gibraltar ra lệnh thả tàu chở dầu Iran vào ngày 18/8, Mỹ tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp để ngăn chặn việc chuyển những thùng dầu này tới Syria do hành động này vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington.
Hiện vị trí của tàu đang ở ngoài khơi phía Nam Hy Lạp, phía Tây đảo Crete.