Nga cáo buộc Facebook, Google tuyên truyền chính trị
Cơ quan liên bang giám sát thông tin liên lạc, công nghệ thông tin và thông tin đại chúng Nga Roskomnadzor cho biết các tập đoàn công nghệ lớn Google và Facebook đã cho phép đăng quảng cáo chính trị trong khi các cuộc bầu cử địa phương diễn ra trên toàn quốc vào ngày 8-9, bất chấp trước đó đã được yêu cầu cấm những quảng cáo này.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ chủ quyền quốc gia thuộc Thượng viện Nga, ông Andrei Klimov, cho hay ủy ban này sẽ xem xét kỹ lưỡng khả năng nước ngoài can thiệp vào các cuộc bầu cử địa phương. Ủy ban này sẽ xem xét kỹ lưỡng khả năng nước ngoài can thiệp vào các cuộc bầu cử (của Nga) trong nửa cuối tháng 9, sau khi hoàn tất mọi thủ tục bầu cử và báo cáo sơ lược sẽ được công bố trước cuối tháng 11 tới.
Người dân Pháp lo sợ bất công trong xã hội
Báo cáo thường niên của Cục Nghiên cứu, đánh giá và thống kê (DREES) của Bộ Đoàn kết và Y tế Pháp công bố ngày 9-9 cho thấy, người dân nước này lo ngại về tình trạng nghèo đói và bất công trong xã hội.
Các cuộc biểu tình biến thành bạo động diễn ra tại Pháp vào cuối năm 2018
Theo báo cáo, gần 1/3 số công nhân Pháp cảm thấy mình thuộc diện nghèo khổ và 90% trong số này cho rằng bất công xã hội ngày càng gia tăng. Khoảng 7% những người làm nghề trung gian tự coi mình là người nghèo so với 14% là nhân viên. Ngoài ra, 1/4 số người Pháp tin rằng có thể sẽ lâm vào tình trạng nghèo đói trong 5 năm tới. Từ năm 2006 đến 2016, tỷ lệ người nghèo đã gia tăng ở hầu hết các quốc gia châu Âu. Riêng tại Pháp, tỷ lệ người nghèo tăng từ 13,3% lên 14%. Báo cáo của DREES đánh giá mỗi người dân nước này cần phải có thu nhập tối thiểu 1.760 EUR (khoảng 1.950 USD)/tháng để sống so với chuẩn nghèo được thiết lập ở mức 1.026 EUR (khoảng 1.300 USD)/tháng/người.
Triều Tiên chưa vi phạm các nghị quyết LHQ
Theo Yonhap, trong lời kêu gọi mới đây về việc sớm nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ giữa 2 nước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 8-9 cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ “rất thất vọng” nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không quay lại đối thoại.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp hồi tháng 5-2018 tại Bình Nhưỡng
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài truyền hình ABC của Mỹ hôm 8-9, ông Pompeo cũng bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán cấp độ chuyên gia giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ được nối lại “trong những ngày tới hoặc có thể vài tuần tới”. Khi được hỏi về việc Bình Nhưỡng có vi phạm các nghị quyết của Liên hiệp quốc về việc cấm thử tên lửa đạn đạo hay không, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói rằng, ông Kim vẫn chưa vi phạm “cam kết” của mình với ông Donald Trump - một sự đề cập rõ ràng về cam kết không tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa hơn. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cùng ngày cho biết, Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Mỹ vào cuối tháng 9.
Hàng chục nghìn ca mắc ung thư do hậu quả thảm họa 11/9
Đã gần 18 năm sau thảm họa khủng bố kinh hoàng ngày 11/9 tại New York, nước Mỹ. Vụ khủng bố nhằm vào tòa tháp đôi không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người, mà tới tận ngày hôm nay, nó vẫn khiến hàng chục nghìn người khác đang chết dần chết mòn vì những căn bệnh ung thư và tim mạch, tất cả là do hệ quả môi trường của thảm họa này.
Nhân viên cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn và các tình nguyện viên dọn dẹp khu vực đống đổ nát là những người đầu tiên bị nhiễm độc. Các nghiên cứu cho thấy họ phải đối mặt với nguy cơ gia tăng bị mắc ung thư và các bệnh về tim mạch cao hơn tới 30%. Trong nỗ lực mới nhất, chính quyền Tổng thống Donal Trump đã cho phép kéo dài thời gian nộp đơn đòi đền bù cho các nạn nhân đến năm 2090, với mức bồi thường cho mỗi nạn nhân là từ khoảng 240.000 – 680.000 tùy theo từng trường hợp.