Tướng Abdel Fattah al-Burhan (giữa) phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Omdurman ngày 29/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tướng quân đội nhậm chức Chủ tịch Hội đồng Tối cao Sudan: Ngày 21/8, Tướng Abdel Fattah al-Burhan đã tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Hội đồng Tối cao Sudan, cơ quan có nhiệm vụ chèo lái đất nước trong quá trình chuyển tiếp kéo dài 3 năm sang chính quyền dân sự.
Theo Hãng Thông tấn Sudan (SUNA), Tướng Abdel Fattah al-Burhan từng là người đứng đầu Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC), cơ quan nắm quyền lãnh đạo Sudan từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất ngày 11/4 vừa qua sau 30 năm cầm quyền.
Hội đồng Tối cao Sudan mới được thành lập gồm 11 thành viên. Cơ quan này sẽ thay thế TMC để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp.
Tên lửa hành trình tầm trung được bắn từ một bệ phóng di động trên đảo San Nicolas của California. (Ảnh: AFP)
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn về chương trình tên lửa của Mỹ: Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến tổ chức phiên họp khẩn cấp vào ngày 22/8, theo đề nghị của phía Nga và Trung Quốc, để bàn về chương trình tên lửa của Mỹ.
Đại diện của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky hôm 21/8 cho biết, phiên họp sẽ thảo luận về các tuyên bố của Mỹ gần đây về kế hoạch phát triển và triển khai tên lửa tầm trung của nước này. Cuộc họp sẽ được tổ chức dưới hình thức mở, trong đó sẽ có bản báo cáo cụ thể từ đại diện của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Trước đó, vào ngày 19/8, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thử nghiệm tên lửa hành trình mặt đất có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 500 km. Đây là vụ thử tên lửa tầm trung đầu tiên của Mỹ sau khi Mỹ rút ra khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung đã ký với Nga trước đây.
Một cảng hàng hóa tại Anh. (Ảnh: WN)
Anh tiếp tục quan tâm tới việc tham gia CPTPP: Trong cuộc điện đàm ngày 20/8 với Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss đã bày tỏ sự quan tâm của Anh về việc tham gia Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời khẳng định nước này sẵn sàng nhanh chóng ký kết một hiệp định thương mại tự do (FTA) với Nhật Bản sau khi London rời Liên minh châu Âu (EU).
Bộ trưởng Truss, người mới nhậm chức hồi cuối tháng 7, đã bày tỏ ý định thăm Nhật Bản trước khi Anh rời EU để thảo luận về FTA song phương với Nhật Bản và CPTPP.
Trước đó, hồi giữa tháng 1/2019, ông Jeremy Hunt, người khi đó vẫn còn là Ngoại trưởng Anh, đã từng khẳng định London đang nghiên cứu khả năng tham gia CPTPP và ký kết một FTA với Nhật Bản sau khi nước này rời khỏi EU.
Phụ nữ Hồi giáo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Saudi Arabia bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với phụ nữ: Saudi Arabia đã bắt đầu cho phép phụ nữ trưởng thành được tự do đi lại mà không cần phải xin phép, đồng thời có nhiều quyền hơn trong các vấn đề gia đình sau một loạt sắc lệnh Hoàng gia cho phép các thay đổi này.
Giới chức Saudi Arabia đã từng bước gỡ bỏ các hạn chế đối với phụ nữ trong những năm qua, bao gồm chấm dứt quy định cấm phụ nữ lái xe từ năm 2018.
Một loạt sắc lệnh Hoàng gia cũng đã được ban hành hồi đầu tháng này nhằm xóa bỏ các hạn chế đối với phụ nữ, trong đó bao gồm quy định hộ chiếu cho công dân Saudi Arabia sẽ được cấp cho bất kỳ công dân nào có đơn đề nghị và bất kỳ người nào trên 21 tuổi đều không cần có sự cho phép mới được đi lại.
Các thay đổi trên cũng lần đầu tiên trao cho phụ nữ quyền đăng ký sinh con, kết hôn hoặc ly hôn, có quyền làm người giám hộ cho con khi chưa đủ tuổi thành niên.
Người di cư trong diện bị trục xuất khỏi Mỹ, tập trung tại khu vực cửa khẩu El Chaparral trước khi được đưa về bang Tijuana, Mexico ngày 22/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mỹ công bố quy định mới cho phép tạm giữ trẻ em di cư vô thời hạn: Ngày 21/8, Chính phủ Mỹ công bố các quy định mới cho phép giới chức nước này tạm giữ các gia đình người di cư vô thời hạn trong khi đơn xin tị nạn của họ đang được xét duyệt.
Các quy định này sẽ thay thế cho một thỏa thuận pháp lý được thực thi từ năm 1997 (Flores Settlement Agreement) cho phép giới hạn thời gian các cơ quan nhập cư của Mỹ được phép tạm giữ trẻ em di cư trong vòng 20 ngày, đồng nghĩa với việc các gia đình có trẻ em cũng phải được trả tự do trong vòng 20 ngày.
Chính quyền Washington cho rằng thỏa thuận đó góp phần làm gia tăng làn sóng di cư tới Mỹ, đặc biệt là các gia đình Trung Mỹ và khuyến khích các gia đình mang theo trẻ em để có cơ hội được trả tự do sớm hơn khi đơn tị nạn của họ vẫn đang được xét duyệt. Thông thường, các gia đình di cư phải đợi vài tháng để tòa án xét duyệt hồ sơ xin tị nạn. Quy định mới cho phép Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) tiếp tục tạm giữ những gia đình di cư cho tới khi tòa hoàn tất quá trình xét duyệt.