Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Indonesia công bố địa điểm đặt thủ đô mới: Ngày 26/8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo thủ đô mới của nước này sẽ được chuyển từ Jakarta trên đảo Java hiện nay đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo.
Tổng thống Widodo cho biết các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy "địa điểm lý tưởng nhất" để đặt thủ đô mới của Indonesia là một khu vực thuộc các vùng Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara của tỉnh Đông Kalimantan.
Theo đó, địa điểm đặt thủ đô mới của Indonesia sẽ nằm gần thành phố Balikpapan. Theo nhà lãnh đạo Indonesia, kế hoạch di dời thủ đô khỏi Jakarta sẽ tiêu tốn 466.000 tỷ rupiah (khoảng 32,79 tỷ USD), trong đó chính phủ sẽ cấp 19% số kinh phí, số còn lại do các đối tác trong khu vực công và tư nhân đầu tư.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz, Pháp, ngày 25/8/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Lãnh đạo Nhóm G7 nhất trí chi khẩn cấp 20 triệu USD cứu rừng Amazon: Ngày 26/8, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí về một khoản quĩ khẩn cấp trị giá 20 triệu USD nhằm cứu rừng Amazon ở Brazil, nơi đang hứng chịu trận cháy kinh hoàng.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết nước này sẽ chi 10 triệu bảng Anh (12,3 triệu USD) để khôi phục rừng nhiệt đới Amazon bị tàn phá trong các vụ cháy rừng và gây lên làn sóng lo ngại trên toàn cầu.
60% diện tích rừng Amazon thuộc lãnh thổ quốc gia Nam Mỹ Brazil và diện tích còn lại của cánh rừng này trải dài qua 8 nước và vùng lãnh thổ khác gồm Bolivia, Colombia, Guiana thuộc Pháp, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela.
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), tính đến ngày 24/8, trên cả nước Brazil ghi nhận 78.383 vụ cháy rừng - cao nhất kể từ năm 2013. Hơn một nửa số này xảy ra ở Amazon, nơi có hơn 20 triệu người sinh sống.
Ông Tariceanu, Chủ tịch ALDE đồng thời là Chủ tịch Thượng viện, tuyên bố ALDE rút khỏi liên minh cầm quyền. (Ảnh: Adriana Neagoe)
Liên minh cầm quyền tại Romania sụp đổ: Khủng hoảng chính trị kéo dài suốt 2 tháng qua tại Romania lên đến đỉnh điểm khi Liên minh Tự do và Dân chủ (ALDE) ngày 26/8 quyết định rút khỏi liên minh cầm quyền gồm hai đảng do tranh cãi liên quan đến ứng cử viên tham gia tranh cử tổng thống cuối năm 2019.
Tại cuộc họp chiều 26/8, Ban lãnh đạo Liên minh Tự do và Dân chủ đồng ý rời khỏi liên minh cầm quyền với Đảng Dân chủ xã hội (PSD) của Thủ tướng Viorica Dancila, và sẽ liên minh với Đảng PRO Romania của cựu Thủ tướng Victor Ponta. Cũng theo quyết định đó, tất cả các bộ trưởng của họ trong chính phủ của Thủ tướng Dancila sẽ đồng loạt từ chức, Chủ tịch đảng, ông Calin Popescu Tariceanu, sẽ từ chức Chủ tịch Thượng viện – một vị trí mà ông đã nắm giữ trong 5 năm qua.
Sự ra đi của Liên minh Tự do và Dân chủ sẽ gây khó khăn cho chính phủ của Thủ tướng Dancila, làm cho tình hình chính trị trong nước trở nên thêm rối ren. Đảng Dân chủ xã hội của Thủ tướng Dancila hoặc sẽ phải tìm đối tác liên minh mới, hoặc tiếp tục vận hành chính phủ mà không có sự ủng hộ đa số của Quốc hội.
Romania sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 10/11 tới và các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy đương kim Tổng thống Klaus Iohannis sẽ tại vị trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Mina Andreeva. (Ảnh: Express)
EU "đòi" Anh thực hiện nghĩa vụ tài chính ngay cả khi không đạt thỏa thuận: Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Mina Andreeva ngày 26/8 nhấn mạnh: “Tất cả các cam kết đã được thực hiện bởi 28 quốc gia thành viên nên được tôn trọng và điều này vẫn đặc biệt đúng kể cả với kịch bản không có thỏa thuận, trong đó Vương quốc Anh sẽ phải tiếp tục tôn trọng tất cả các cam kết được thực hiện trong thời gian là thành viên của Liên minh châu Âu”.
Trước đó, hôm 25/8 vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, Anh sẽ không có nghĩa vụ phải trả toàn bộ 39 tỷ bảng "hóa đơn li dị" cho Liên minh châu Âu nếu như nước này rời mái nhà chung châu Âu mà không đạt được thỏa thuận vào ngày 31/10 tới.
Tuy nhiên, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Mina Andreeva vừa thông báo, đến nay, chính phủ Anh chưa chính thức nêu vấn đề này với Liên minh châu Âu.
Khói lửa bốc lên từ hiện trường vụ nổ động cơ tên lửa thử nghiệm tại thao trường quân sự ở thành phố Severodvinsk, tỉnh Arkhangelsk, Nga ngày 8/8/2019. (Ảnh: News Breezer/TTXVN)
Mức phóng xạ ở thành phố Nga trở lại bình thường sau sự cố thử nghiệm động cơ phản lực: Cơ quan khí tượng và giám sát môi trường Nga (Rosgidrom) ngày 26/8 thông báo sau sự cố gần đây tại thao trường quân sự ở tỉnh Arkhangelsk dẫn tới việc phát hiện các đồng vị phóng xạ của bari và stronti tồn tại trong thời gian ngắn và hiện mức phóng xạ trong khu vực đã ổn định.
Thông báo khẳng định: "Hiện trong mẫu xét nghiệm các khí phóng xạ trong không khí và nước mưa tại các thành phố Severodvinsk và Arkhangelsk không phát hiện các đồng vị phóng xạ do sự cố gây ra. Mức độ phóng xạ đang ổn định trở lại".
Ngày 8/8 vừa qua, tại thao trường quân sự gần thành phố Severodvinsk thuộc tỉnh Arkhangelsk xảy ra vụ nổ trong khi thử nghiệm động cơ phản lực nhiên liệu lỏng. Theo thông báo, 5 nhân viên đã thiệt mạng và 3 người bị thương trong sự cố trên. Theo Rosatom, sự cố xảy ra trong hoạt động thử nghiệm có kèm theo các nguồn đồng vị của nhiên liệu trong động cơ.