Tổng thống Trump sau khi ký lệnh trừng phạt lãnh tụ tối cao Iran. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Trump công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran: Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/6 đã công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung của Mỹ đối với Iran, trong đó mục tiêu chính là nhằm vào Lãnh tụ tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei.
Ông chủ Nhà Trắng cho rằng lãnh tụ Khamenei phải chịu trách nhiệm vì các hoạt động gây bất ổn của Tehran. "Chúng tôi không theo đuổi xung đột. Phản ứng của Iran sẽ quyết định thời điểm chấm dứt cấm vận, nó có thể diễn ra ngay ngày mai hoặc kéo dài thêm nhiều năm", Trump nói thêm.
Tổng thống Mỹ ban đầu cho biết lệnh cấm vận nhằm đáp trả vụ Tehran bắn rơi máy bay trinh sát không người lái (UAV) trị giá 200 triệu USD của Washington hôm 20/6. Tuy nhiên, Trump sau đó khẳng định những biện pháp trừng phạt vẫn được áp đặt dù vụ bắn hạ UAV có xảy ra hay không.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo 8 chỉ huy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc đối thoại trực tuyến với người dân ở thủ đô Moskva, ngày 20/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Nga gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của EU: Ngày 24/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của các nước Liên minh châu Âu (EU) cho tới cuối năm 2020.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh EU ngày 20/6 vừa qua quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Nga đến ngày 23/6/2020 liên quan đến việc Moskva sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước này.
Trước đó, tháng 7/2018, Nga cũng đã gia hạn lệnh cấm nhập khẩu lương thực của phương Tây thêm 18 tháng, đến ngày 31/12/2019, sau khi EU kéo dài các biện pháp trừng phạt Nga.
Quan chức Nhật Bản kiểm tra một địa điểm tại Osaka. (Ảnh: Kyodo)
Nhật Bản thắt chặt an ninh nhằm đảm bảo an toàn cho hội nghị G20: Hơn 32.000 cảnh sát đã được huy động từ 46 tỉnh, thành trên khắp đất nước Nhật Bản để bảo đảm an toàn và an ninh trên các tuyến phố tại Osaka, nhiều hơn so với con số 23.000 cảnh sát được triển khai để đảm bảo an ninh cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2016.
Mặc dù phần lớn hoạt động của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đều diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Intex Osaka nhưng nhiều nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến sẽ ở các khách sạn sang trọng gần các ga tàu điện ở khu vực trung tâm và phía Bắc thành phố Osaka. Vì vậy, trong thời gian diễn ra hội nghị, giao thông ở nhiều khu vực công cộng và khu vực xung quanh các khách sạn này sẽ bị hạn chế.
Mọi thùng rác ở các ga tàu điện đều bị niêm phong. Lịch trình của nhiều tuyến tàu cao tốc sẽ bị ảnh hưởng, nhất là tàu cao tốc Hanshin. Gần 700 trường học ở Osaka sẽ đóng cửa vào các ngày 27 và 28/6.
Chính quyền thành phố Osaka đã yêu cầu người dân hạn chế sử dụng ôtô cá nhân và hạn chế đi ra ngoài đường nếu không cần thiết trong thời gian diễn ra hội nghị, đồng thời khuyến cáo du khách và người dân địa phương về khả năng giao thông bị đình trệ trong thời gian này.
Tiêm vaccine phòng chống virus Ebola tại Mbandaka, CHDC Congo ngày 21/5/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trên 1.500 người tử vong do virus Ebola ở CHDC Congo: Ngày 24/6, giới chức y tế CHDC Congo cho biết, trong gần 10 tháng qua, số người tử vong vì virus Ebola tại 2 địa phương có dịch hoành hành ở miền Đông nước này đã lên tới 1.500 người.
Thông báo của Cơ quan Y tế CHDC Congo nêu rõ 2.239 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 1.506 ca tử vong, đã được ghi nhận ở nước này kể từ khi dịch Ebola bùng phát hồi tháng 8/2018 tại tỉnh Bắc Kivu và Ituri.
Đây là đợt dịch Ebola nghiêm trọng thứ 2 trong lịch sử, sau đợt dịch năm 2014-2016 cướp đi mạng sống của hơn 11.300 người ở nước này. Nhà chức trách CHDC Congo cho biết số ca lây nhiễm virus Ebola vẫn gia tăng, với 13 trường hợp nhiễm mới và 273 trường hợp nghi nhiễm, mặc dù hơn 140.915 người đã được tiêm vaccine phòng bệnh.
Cuộc chiến chống lại dịch bệnh Ebola tại khu vực Đông Phi đã gặp nhiều khó khăn do sự phản kháng của cộng đồng đối với các hoạt động ứng phó do chính quyền và các đối tác tổ chức. Liên hợp quốc ngày 23/5 vừa qua đã chỉ định một "điều phối viên ứng phó khẩn cấp" chống lại dịch Ebola ở Congo để thực hiện các nỗ lực tiếp theo trong việc ứng phó.
Quảng trường Kim Il Sung ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)
Triều Tiên chuẩn bị bầu Hội đồng nhân dân các cấp: Ngày 24/6, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết các ủy ban bầu cử đã được thành lập ở các khu vực bầu cử tại các tỉnh, thành phố, quận, huyện theo Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Triều Tiên tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân địa phương 4 năm/lần. Cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân địa phương gần đây nhất được Triều Tiên tiến hành vào ngày 19/7/2015, khi đó 28.452 ứng cử viên đã được bầu làm đại biểu tại các Hội đồng nhân dân địa phương với số phiếu tuyệt đối cho nhiệm kỳ 4 năm.
Hội đồng nhân dân các cấp sẽ nhóm họp 1 - 2 lần trong năm để thông qua ngân sách địa phương và các vấn đề khu vực khác cũng như bầu chọn những người đứng đầu các cấp.