Tổng thống Trump và Tổng thống Putin chào hỏi khi gặp nhau tại Dinh Tổng thống Phần Lan. (Ảnh: Reuters)
Nga - Mỹ tổ chức gặp thượng đỉnh tại Phần Lan: Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 16/7 có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại thủ đô Helsinki của Phần Lan. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Bộ Tư pháp Mỹ vừa truy tố 12 nhân viên tình báo Nga có hành vi can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, khiến nhiều người lên tiếng chỉ trích ông Trump vì vẫn quyết định gặp ông Putin.
Theo kế hoạch, cuộc gặp sẽ bắt đầu lúc 13h20 (17h20 Hà Nội), nhưng chuyên cơ của Putin hạ cánh xuống sân bay Helsinki muộn gần một tiếng, khiến hội nghị diễn ra trễ hơn kế hoạch.
Hai lãnh đạo có cuộc gặp riêng kéo dài hơn hai giờ. Sau cuộc gặp, Trump tuyên bố "một khởi đầu rất tốt" cho cuộc họp thượng đỉnh với Putin. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders ngày 19/7 còn cho biết, Tổng thống Donal Trump đã yêu cầu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton mời Tổng thống Nga Vladimir Putin sang thăm Mỹ vào mùa thu năm nay.
Sau thượng đỉnh, Tổng thống Trump đã hứng chịu chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận trong nước bởi ông đã không buộc Nga phải chịu trách nhiệm về việc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
(Ảnh minh họa: AP)
Malaysia sẽ công bố báo cáo điều tra cuối cùng vụ MH370: Theo Bộ trưởng Giao thông Malaysia Anthony Loke Siew Fook, chính phủ sẽ chia sẻ báo cáo tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay mất tích từ ngày 8/3/2014 với những người thân của các nạn nhân trong một buổi báo cáo riêng sáng 30/7.
“Sẽ có một cuộc họp báo vào buổi tối. Cả buổi báo cáo và họp báo sẽ do điều tra viên trưởng thực hiện. Báo cáo này sẽ tiết lộ toàn bộ, không giữ lại hay sửa chữa gì”, Bộ trưởng Loke nói.
Bộ trưởng Giao thông Malaysia cũng cho biết, các gia đình sẽ có một bản sao của báo cáo, bên cạnh bản sao cung cấp cho báo chí. Báo cáo sau đó sẽ được trình lên Thượng viện và Hạ viện Malaysia như một văn bản công khai ngày 31/7.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tới một tòa án ở Seoul vào tháng 8/2017. (Ảnh: Reuters)
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye chịu thêm 8 năm tù: Sáng 20/7, Tòa án Quận Trung tâm Seoul, Hàn Quốc, đã kết án cựu Tổng thống Park Geun-hye thêm 8 năm tù sau khi kết luận bà câu kết với các cựu cố vấn gây thất thoát 30 tỷ won (tương đương 26,49 triệu USD) công quỹ của Cơ quan Tình báo Quốc gia và can thiệp vào việc lựa chọn ứng cử viên của đảng cầm quyền than gia tranh cử quốc hội năm 2016.
Cựu Tổng thống Park Geun-hye, 66 tuổi, đã bác bỏ mọi việc làm sai trái và không có mặt tại tòa. Hồi tháng 4, một tòa án cấp thấp hơn đã kết án bà 24 năm tù với một số tội danh như nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tháng 7/2014. (Ảnh: AFP)
Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp vào ngày 20/7/2016, 5 ngày sau khi một nhóm trong quân đội nước này đảo chính bất thành.
Biện pháp này có thời hạn chỉ ba tháng nhưng đã được gia hạn 7 lần. Nó đã được dừng vào 1h ngày 19/7/2018 (5h giờ Hà Nội) sau khi Ankara quyết định không gia hạn lần thứ tám. Trong gần hai năm áp đặt tình trạng khẩn cấp, khoảng 80.000 người đã bị bắt ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Đại diện các nước tham gia ký kết CPTPP tại Chile. (Ảnh: Reuters)
Singapore trở thành nước thứ ba phê chuẩn CPTPP: Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore ngày 19/7 cho biết nước này đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà trước đây được biết đến với tên gọi TPP, trở thành quốc gia thứ ba phê chuẩn hiệp định này trong số 11 nước thành viên ký kết hiệp định.
Tính đến nay đã có ba nước phê chuẩn CPTPP, gồm Mexico, Nhật Bản và Singapore. CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được ít nhất sáu nước thành viên ký kết hiệp định phê chuẩn.
Các cầu thủ nhí và huấn luyện viên trên sân khấu. (Ảnh: Guardian)
Tất cả các thành viên đội bóng Thái Lan được trở về nhà: Chiều 18/7, tất cả 12 thành viên đội bóng thiếu niên Thái Lan cùng huấn luyện viên ra viện và có buổi họp báo đầu tiên. Các em đã được về nhà mình vào tối cùng ngày sau một tuần được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
Mục đích của buổi họp báo nhằm giải đáp thắc mắc của báo giới, giúp đội bóng sớm trở lại cuộc sống thường nhật và không bị báo chí làm phiền. Cuộc họp báo diễn ra trong 45 phút và được phát sóng trên nhiều kênh truyền hình lớn.
Maria Butina, 29 tuổi, bị bắt ở Mỹ. (Ảnh: Facebook)
Mỹ bắt một phụ nữ Nga, cáo buộc làm điệp viên: Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) ngày 16/7 thông báo một nữ công dân Nga đã bị bắt giữ với cáo buộc can thiệp nền chính trị Mỹ. Người phụ nữ trên có tên là Maria Butina, 29 tuổi, bị bắt ngày 15/7 tại thủ đô Washington, nơi cô cư trú.
Ngày 17/7, DOJ thông báo một bồi thẩm đoàn nước này đã nhất trí buộc tội nữ công dân Nga Maria Butina về tội hoạt động gián điệp. Theo bản luận tội mà Bồi thẩm đoàn công bố, Maria Butina bị cáo buộc nhiều tội danh nghiêm trọng liên quan đến hoạt động gián điệp và có thể chịu mức án tù tối đa lên tới 10 năm tù giam.
Yahoo Messenger sẽ chính thức ngừng hoạt động từ sau ngày 17/7.
Yahoo Messenger chính thức ngừng hoạt động: Trong một thông báo hồi đầu tháng 6, Yahoo cho biết sẽ đóng cửa từ sau ngày 17/7.
Được phát hành vào 1998 với tên gọi Yahoo! Pager, dịch vụ nhắn tin này sau đó được đổi thành Yahoo! Messenger và giữ tên đó đến nay. Có báo cáo nói Yahoo! Messenger đã vượt mốc 120 triệu người dùng trong 2009. Là một trong những dịch vụ nhắn tin tức thời ra đời sớm nhưng sức hấp dẫn của nó đã giảm đi khi ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh.
Pháp giành chiến thắng thuyết phục trước Croatia. (Ảnh: Reuters)
Pháp vô địch World Cup 2018: Hạ Croatia 4-2 ở trận chung kết trên sân Luhzniki tối 15/7, thầy trò Didier Deschamps trở thành tân vương của bóng đá thế giới. Đây là chức vô địch thứ 2 trong lịch sử của những chú gà trống Gô-loa.
Trước đó, lễ bế mạc World Cup 2018 diễn ra ngắn gọn, giống như những gì nước chủ nhà Nga đã thể hiện ở buổi khai mạc cách đây một tháng. Toàn bộ phần lễ chính kéo dài trong khoảng hơn 10 phút.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
CH Séc ngừng cấp thị thực cho lao động Việt Nam: Ngày 19/7, Bộ trưởng Nội vụ kiêm quyền Bộ trưởng Ngoại giao CH Séc, ông Jan Hamacek cho biết, Séc đã ngừng cấp thị thực lao động cho người Việt Nam. Việc đình chỉ này áp dụng cho các đơn xin thị thực cư trú dài hạn với mục đích lao động hoặc hoạt động kinh doanh.
Theo ông Jan Hamacek, biện pháp trên được thực hiện do số lượng đơn xin thị thực tại Đại sứ quán CH Séc tại Việt Nam quá tải. Hiện nay, ưu tiên của Đại sứ quán Séc là nhận đơn xin cư trú với mục đích đoàn tụ gia đình.
Đại sứ Việt Nam tại CH Séc Hồ Minh Tuấn cho biết, thông qua đường ngoại giao, Việt Nam đang kiến nghị và thực hiện tích cực nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề trên.