Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)
Đảng Dân chủ Mỹ giành Hạ viện, đảng Cộng hòa giữ Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ: Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11 đã chứng kiến chiến thắng của đảng Dân chủ ở Hạ viện, trong khi đảng Cộng hòa tiếp tục nắm quyền kiểm soát Thượng viện.
Với kết quả này, đảng Dân chủ đã hoàn thành mục tiêu đề ra ban đầu là giành lại Hạ viện để ngăn cản các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đảng Dân chủ sẽ nắm trong tay quyền điều tra thuế của Tổng thống Trump và những xung đột lợi ích tiềm tàng, đồng thời thách thức các chính sách mà Trump theo đuổi trong mối quan hệ với Triều Tiên, Nga hay Saudi Arabia.
Khi đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện, ông Trump sẽ phải đối diện với nguy cơ bị luận tội nếu có đủ bằng chứng cho thấy chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông thông đồng với Nga. Tuy nhiên, quốc hội không thể phế truất ông Trump nếu 2/3 Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát không đồng tình.
Lính danh dự rước cờ qua lễ đài trong cuộc duyệt binh. (Ảnh: Reuters)
Nga kỷ niệm 77 năm Cuộc duyệt binh huyền thoại trên Quảng trường Đỏ: Ngày 7/11, tại thủ đô Moscow, Liên bang Nga diễn ra một loạt các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày diễn ra Cuộc duyệt binh huyền thoại năm 1941.
Cuộc diễu binh năm nay có 12 nghìn người tham gia với 3.500 quân nhân đến từ các đơn vị vũ trang và học viên trường quân sự tại thủ đô Moscow cùng các loại thiết bị quân sự đã làm nên lịch sử trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại năm 1941 như pháo vác vai Katyusha, xe tăng T-34, xe bọc thép, xe máy...
Cuộc diễu binh đã tái hiện sinh động và chân thực sự kiện diễn ra 77 năm về trước cả về trang phục, vũ khí, khí tài, phối cảnh, âm nhạc... Đây cũng là lần đầu tiên tại cuộc diễu binh hàng năm nay bản sao lá cờ chiến thắng tung bay trên Quảng trường Đỏ. Ngay sau cuộc diễu binh, các khí tài quân sự tham gia sự kiện này được trưng bày trên Quảng trường Đỏ để mọi người đến tham quan và chụp ảnh kỷ niệm.
Người dân New Caledonia đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Pháp ngày 4/11. (Ảnh: AP)
Vùng New Caledonia thuộc Pháp tiến hành trưng cầu ý dân về độc lập: Theo kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu ý kiến cử tri về nền độc lập của New Caledonia do giới chức bầu cử địa phương công bố ngày 4/11, trong số 95% số phiếu được kiểm có 56,8% số cử tri ủng hộ vùng lãnh thổ này vẫn thuộc Pháp.
Trước đó cùng ngày, cử tri New Caledonia đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của quần đảo này.
Cuộc trưng cầu được coi là phép thử đối với nhu cầu đòi độc lập của một số vùng lãnh thổ xa xôi thuộc Pháp, vốn phụ thuộc mạnh mẽ vào viện trợ của chính quyền trung ương.
Sau khi kết quả trên được công bố, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ tự hào về lựa chọn của cử tri New Caledonia.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.(Ảnh: THX/TTXVN)
EU kéo dài thêm 1 năm lệnh trừng phạt đối với Venezuela: Ngày 6/11, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quyết định kéo dài thêm 1 năm lệnh trừng phạt đối với Venezuela nhằm gây sức ép chính trị đối với chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế.
Tuyên bố của Hội đồng châu Âu (EC) nhấn mạnh trước tình trạng thực tế ở Venezuela, đại diện 28 nước châu Âu đã thống nhất kéo dài các biện pháp trừng phạt Venezuela cho tới ngày 14/11/2019.
Lệnh trừng phạt này bao gồm cấm vận vũ khí, thiết bị đối với Venezuela; đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với 18 thành viên cấp cao trong Chính phủ Venezuela.
Đồ đạc của các nạn nhân được tập kết ở Jakarta hôm 29/10. (Ảnh: Reuters)
Indonesia ngừng tìm nạn nhân vụ rơi máy bay Lion Air: Chính quyền Indonesia ngày 10/11 quyết định chấm dứt chiến dịch tìm kiếm nạn nhân trên chuyến bay JT610 sau hai tuần triển khai lực lượng trên biển.
Lực lượng cứu hộ đã đưa về bờ 196 túi đựng các mảnh thi thể, trong đó 79 nạn nhân đã được nhận dạng và đưa về cho gia đình mai táng. Nhà chức trách Indonesia tìm thấy hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay, một phần thân và nhiều mảnh động cơ từ chiếc Boeing 737 MAX 8 của Lion Air. Một thợ lặn đã thiệt mạng trong chiến dịch này.
Hãng hàng không Lion Air cho biết đang bồi thường 102.058 USD cho gia đình của mỗi nạn nhân trên chuyến bay. Nhà sản xuất máy bay Boeing cũng ban hành chỉ dẫn cách tổ lái nên hành động khi gặp trường hợp cảm biến cho thông tin sai, sau khi Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia cho rằng một trong những cảm biến góc tấn trên chiếc Boeing 737 gặp nạn đã cung cấp dữ liệu sai.
Chuyến bay JT610 của Lion Air rơi xuống biển chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ Jakarta ngày 29/10, khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng. Đây là thảm họa hàng không tồi tệ nhất của Indonesia kể từ năm 1997.
Tổng thống Erdogan phát biểu tại thủ đô Ankara hôm 23/10. (Ảnh: Reuters)
Thổ Nhĩ Kỳ giao bằng chứng vụ sát hại nhà báo Khashoggi: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/11 cho biết, đã trao các bản ghi âm về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi cho Saudi Arabia, Mỹ, Anh, Pháp và Đức.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng kêu gọi Saudi Arabia hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc điều tra vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Trước đó, các nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ cho biết giới chức nước này có trong tay một đoạn băng ghi âm, qua đó cho thấy nhà báo Khashoggi đã bị tra tấn và sát hại khi ông này tới lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các bản tin chưa được xác nhận cho biết, nội dung đoạn băng cho thấy nhà báo Khashoggi có khả năng đã bị khống chế, ép uống thuốc và bị phân xác bằng một lưỡi cưa. Có cáo buộc những kẻ sát hại nhà báo Khashoggi đã bật nhạc lớn để át âm thanh lúc ra tay.
Tổng thống Donald Trump phát biểu trước phóng viên sau khi ký tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran tại Nhà Trắng, Washington DC, Mỹ ngày 8/5. (Ảnh: Reuters)
Mỹ chính thức tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran: Hôm 5/11, Mỹ đã chính thức tái áp đặt tất cả lệnh trừng phạt đối với Iran.
Các lệnh trừng phạt này trước đó đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015. Danh sách trừng phạt Iran của chính quyền Tổng thống Donald Trump bao gồm gần 700 cá nhân và thực thể thuộc các lĩnh vực năng lượng, đóng tàu và ngân hàng.
Quyết định tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran được thực hiện sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, việc nối lại các lệnh trừng phạt là cách Washington gây sức ép kinh tế tối đa lên Iran nhằm ngăn chặn các nguồn tài chính cho chính phủ nước này và buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.
Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo ngày 4/11 cho biết, hơn 100 công ty quốc tế lớn đã rút khỏi Iran vì lo ngại các lệnh trừng phạt. Chính quyền Mỹ cũng cho phép 8 quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran. Ông Pompeo cho biết, các nước này đã “giảm đáng kể việc nhập khẩu dầu thô”, nhưng “cần thêm thời gian để giảm về 0”.
Những người di cư Trung Mỹ chờ tàu điện ngầm ở Mexico City khi trên đường đến biên giới với Mỹ ngày 9/11. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh nhập cư mới, nói không với dòng người tị nạn: "Tôi vừa ký tuyên bố về người tị nạn - rất quan trọng", Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/11 nói, theo Reuters. "Mọi người có thể vào nước Mỹ nhưng họ phải đi qua các điểm nhập cảnh".
Những người nhập cư bất hợp pháp từ Mexico vào Mỹ vốn có thể yêu cầu tị nạn nếu tự nộp mình cho biên phòng - lựa chọn được nhiều gia đình có trẻ em sử dụng. Những người xin tị nạn chọn cách đến các cửa khẩu thường phải chờ đợi vài ngày trước khi được vào lãnh thổ Mỹ.
Sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 10/11 của Trump yêu cầu người nhập cư phải trình diện tại các cửa khẩu để đủ điều kiện xin tị nạn. Động thái này nhằm từ chối yêu cầu tị nạn của những người vượt qua biên giới Mexico bất hợp pháp, trong nỗ lực để ngăn chặn đoàn người di cư Trung Mỹ.
Ian David Long, nghi phạm vụ xả súng quán bar ở California đêm 7/11. (Ảnh: CBS)
Xả súng tại California khiến 12 người thiệt mạng: Vụ xả súng xảy ra lúc 23h20 ngày 7/11 (14h20 ngày 8/11 giờ Việt Nam) tại quán bar Borderline Bar & Grill ở Thousand Oaks, hạt Ventura, bang California, Mỹ. Cảnh sát xác nhận ít nhất 12 người đã thiệt mạng, trong đó có phó cảnh sát trưởng hạt Ventura Ron Helus cùng nghi phạm, và 21 người bị thương.
Trong cuộc họp báo sau sự việc, cảnh sát trưởng hạt Ventura Geoff Dean cho biết nghi phạm xả súng được xác định là Ian David Long, 28 tuổi.
Theo hồ sơ của Bộ Quốc phòng Mỹ, Long từng tham gia lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ từ tháng 8/2008 đến tháng 3/2013. Cảnh sát cho biết Long đã sử dụng một khẩu súng ngắn Glock cỡ nòng 11,43 mm để bắn khoảng 30 phát đạn vào đám đông trong quán bar. Khi cảnh sát tới hiện trường, Long đã tự tử bằng chính khẩu súng hắn dùng tấn công các nạn nhân.