Cảnh sát Indonesia đối phó người biểu tình ở thủ đô Jakarta đêm 22/5. (Ảnh: AFP)
Biểu tình biến thành bạo loạn hậu bầu cử Indonesia: Biểu tình xảy ra và leo thang thành bạo loạn sau khi ủy ban bầu cử Indonesia hôm 21/5 thông báo Tổng thống Joko Widodo đánh bại đối thủ là cựu tướng Prabowo Subianto trong cuộc bầu cử tổng thống tháng trước. Ông Subianto nói xảy ra tình trạng gian lận trong bầu cử và kháng nghị lên tòa hiến pháp.
Quan chức bầu cử và các nhà phân tích bác bỏ tuyên bố của ông Subianto, nói rằng bầu cử diễn ra tự do và công bằng. Chính phủ đã chặn một phần việc truy cập mạng xã hội, bao gồm Twitter, Facebook và Instagram nhằm kiểm soát tin giả và những bài đăng kích động bạo lực.
Ít nhất 6 người đã thiệt mạng do bạo loạn. Gần 60.000 nhân viên an ninh Indonesia ngày 23/5 được triển khai trên các đường phố ở thủ đô Jakarta, gấp đôi con số trước đó, sau khi Tổng thống Widodo tuyên bố ông sẽ "không tha thứ" cho những kẻ gây bạo loạn. Nhà chức trách cáo buộc "những kẻ khiêu khích" bên ngoài Jakarta đã kích động bạo lực.
Bà May tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 7/6. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố từ chức trong nước mắt: Nữ Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra thông báo sẽ từ chức vào ngày 7/6. Thông tin từ chức được bà May đưa ra sau cuộc gặp với Chủ tịch Uỷ ban 1922, Graham Brady vào sáng 24/5 (theo giờ London).
Uỷ ban này tập hợp các nghị sĩ đảng Bảo thủ chống đối bà May và tuyên bố đã chuẩn bị mọi thứ để tiến hành một phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm thứ hai với bà May nếu bà không rời ghế Thủ tướng Anh.
Đọc thông báo từ chức trước cửa Văn phòng Thủ tướng Anh trong nước mắt, bà Theresa May cho biết, bà ra đi trong tiếc nuối vì đã không thể hoàn tất tiến trình Brexit.
Việc bà May từ chức Thủ tướng Anh vào ngày 7/6 tới sẽ chấm dứt một giai đoạn vô cùng phức tạp và khốc liệt trên chính trường Anh trong 3 năm qua liên quan đến Brexit.
Bà Theresa May lên làm Thủ tướng Anh vào ngày 13/7/2016 thay cho Thủ tướng David Cameron phải từ chức sau cuộc trưng cầu ý dân dẫn đến việc nước Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu.
Volodymyr Zelenskiy và những người ủng hộ ông trước lễ nhậm chức ở Kyiv, Ukraine ngày 20/5. (Ảnh: AP)
Ông Volodymyr Zelenskiy tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Ukraine: Ông Zelenskiy, 41 tuổi, danh hài nổi tiếng với vai diễn Tổng thống trên một chương trình truyền hình của Ukraine, đã giành chiến thắng áp đảo trước Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko trong cuộc bầu cử ngày 21/4 với 73% số phiếu ủng hộ.
Ngày 20/5, ông Zelenskiy đã tuyên thệ nhậm chức và chính thức trở thành Tổng thống Ukraine.
“Tôi cam kết bảo vệ chủ quyền và độc lập của Ukraine. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là ngừng bắn ở Donbass”, tân Tổng thống Ukraine đề cập đến khu vực ly khai miền Đông trong bài phát biểu nhậm chức.
Cùng ngày, tân Tổng thống Ukraine thông báo giải tán Quốc hội. "Tôi giải tán Verkhovna Rada (tức Quốc hội Ukraine) khóa 8", ông Zelenskiy nói tuy nhiên không đề xuất thời gian cụ thể cho cuộc bầu cử Quốc hội đột xuất sẽ diễn ra khi nào.
Trụ sở Huawei ở Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Trung Quốc chính thức kháng nghị Mỹ về lệnh cấm Huawei: Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 23/5 xác nhận đã gửi kháng nghị chính thức đến Mỹ về việc Bộ Thương mại Mỹ bổ sung tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc và 68 thực thể khác vào một "danh sách đen" xuất khẩu nhằm cấm tập đoàn này mua các bộ phận và công nghệ từ các công ty Mỹ nếu chưa có sự đồng ý của Chính phủ Mỹ.
Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong tuyên bố Mỹ đã làm leo thang đáng kể bất đồng thương mại và làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Ông khẳng định Bắc Kinh sẽ tiến hành các bước đi cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo ông Cao Phong, Mỹ cần "điều chỉnh hành động" nếu muốn tiếp tục đàm phán với Trung Quốc nhằm chấm dứt cuộc chiến thuế quan gây tổn thất hiện nay, đồng thời nhấn mạnh đàm phán cần dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa), cựu Thủ hiến bang Punjab Parkash Singh Badal (trái) và Chủ tịch Đảng BJP Shwait Malik (thứ 2, phải) tại lễ míttinh của BJP ở Hoshiarpur ngày 10/5/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đảng BJP thắng áp đảo, Thủ tướng Modi tái đắc cử nhiệm kỳ 2: Ngày 24/5, Ủy ban Bầu cử Ấn Độ (IEC) đã công bố kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Hạ viện Ấn Độ khóa 17, với chiến thắng thuộc về đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi.
Theo IEC, đảng BJP dẫn đầu với 303 ghế trong tổng số 542 ghế được bầu, vượt xa con số 272 ghế để có đa số tại Hạ viện. Đây là số ghế cao nhất mà BJP giành được trong các cuộc bầu cử Hạ viện từ trước đến nay. Trong khi đó, đảng Quốc đại (INC), đảng đối lập chính, nhận được 52 ghế.
Với kết quả này, ông Modi đã tái đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ hai trong 5 năm tới. Chiến thắng này sẽ cho phép ông Modi thúc đẩy các kế hoạch cải cách nhằm giảm thất nghiệp, cũng như giải quyết những vấn đề khó khăn đối với khu vực nông thôn.
Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Asange. (Ảnh: Reuters)
Bộ Tư pháp Mỹ công bố các tội danh đối với nhà sáng lập WikiLeaks: Mỹ tháng trước cáo buộc Julian P. Assange, 47 tuổi, người sáng lập WikiLeaks xâm nhập vào máy tính của chính phủ, liên quan đến vụ rò rỉ năm 2010. Ông có thể phải ngồi tù 5 năm nếu bị tòa án nước này phán quyết có tội.
Ngày 23/5, Bộ Tư pháp Mỹ tiếp tục công bố 17 tội danh mới, trong đó có 1 tội âm mưu nhận thông tin quốc phòng, 3 tội lấy thông tin quốc phòng và 13 tội tiết lộ thông tin quốc phòng, đối với ông Assange. Nếu bị kết án, Assange phải đối mặt với hình phạt tối đa là 10 năm tù cho mỗi tội danh mới này.
Như vậy, nếu bị tòa án Mỹ phán quyết có tội với tất cả các cáo buộc mới và cáo buộc trước đó, ông Assange sẽ phải đối mặt với án tù tối đa là 175 năm.
Hôm 11/4 vừa qua, cảnh sát Anh bắt giữ ông Assange tại Đại sứ quán Ecuador với cáo buộc vi phạm các điều khoản bảo lãnh tại ngoại cách đây 7 năm, và theo yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ liên quan tới việc WikiLeaks phát tán hàng nghìn tài liệu chính thức của quốc gia này.
Các máy bay 737 MAX tại nhà máy Boeing ở bang Washington, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Boeing thừa nhận lỗi phần mềm liên quan dòng máy bay 737 MAX: Hôm 18/5, hãng sản xuất máy bay Boeing thừa nhận hãng này sẽ phải sửa lỗ hổng trong phần mềm giả lập dùng để đào tạo phi công dòng phi cơ 737 MAX.
Tuyên bố được đưa ra sau hai vụ tai nạn của dòng máy bay này trong vòng 6 tháng qua khiến 346 người thiệt mạng.
Trong một tuyên bố, Boeing cho biết, phầm mềm giả lập dùng để đào tạo phi công của dòng máy bay 737 MAX đã không thể tái tạo lại một số tình huống trong chuyến bay, bao gồm cả các tình huống dẫn đến vụ tai nạn của hãng hàng không Ethiopia vào ngày 10/3. Chính vì thế, Boeing đã chỉnh sửa phần mềm giả lập của 737 MAX và cung cấp thêm thông tin cho các hãng điều hành thiết bị để bảo đảm rằng các quá trình giả lập sẽ tương ứng được với các tình huống bay khác nhau.
Đây là lần đầu tiên Boeing thừa nhận lỗi phần mềm liên quan tới dòng máy bay 737 MAX. Lỗi phần mềm của Boeing 737 MAX được cho là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thảm họa đối với máy bay của hàng hàng không Ethiopia.
Nhà vua Maha Vajiralongkorn và Hoàng hậu Thái Lan Suthida tại lễ khai mạc phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới ở Bangkok, Thái Lan ngày 24/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhà vua Thái Lan chủ trì phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới: Nhà vua và Hoàng hậu Thái Lan chiều 24/5 đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới.
Trong bài phát biểu khai mạc, Nhà vua Maha Vajiralongkorn đã kêu gọi các nghị sĩ thực hiện tốt nhất nhiệm vụ với trách nhiệm vì lợi ích của công chúng và đất nước nhằm đưa Thái Lan tiến lên.
Đây là phiên họp Quốc hội đầu tiên của Thái Lan trong vòng 5 năm qua và diễn ra sau khi nước này tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 24/3. Quốc hội Thái Lan gồm hai viện, trong đó Hạ viện có 500 ghế với nhiệm kỳ 4 năm và Thượng viện có 250 ghế được chỉ định không qua bầu cử với nhiệm kỳ 5 năm.
Tối 24/5, Thượng viện Thái Lan đã bầu ông Pornpetch Wichitcholchai làm người đứng đầu cơ quan lập pháp này với nhiệm kỳ 5 năm. Cũng trong phiên họp đầu tiên tối 24/5, các thượng nghị sĩ cũng bầu cựu thành viên NLA Singsuek Singphrai và cựu thành viên Ủy ban Bầu cử Suppachai Somcharoen vào các vị trí Phó Chủ tịch Thượng viện.
Binh sỹ Mỹ tại Raqqa, Syria. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Trump sẽ điều thêm 1.500 lính Mỹ tới Trung Đông: Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/5 tuyên bố sẽ cử khoảng 1.500 binh sỹ Mỹ tới Trung Đông, chủ yếu như một biện pháp phòng vệ, trong bối cảnh căng thẳng tăng cao với Iran. Theo Tổng thống Trump, việc triển khai lần này bao gồm một số lượng tương đối nhỏ binh sỹ.
Trước đó, hai nguồn tin thông báo với hãng tin Reuters rằng, các lực lượng được triển khai sẽ giúp tăng cường sức mạnh phòng thủ của Mỹ tại khu vực Trung Đông. Một trong hai nguồn tin cho biết, trong lực lượng được triển khai có bao gồm kỹ sư. Trong khi đó, hãng AP đưa tin, Nhà Trắng đã thông báo với Quốc hội Mỹ về kế hoạch triển khai 1.500 binh sỹ tới Trung Đông.
Ô tô xuất khẩu được xếp tại cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, ngày 31/12/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)
OECD hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu: Ngày 21/5, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, hối thúc các chính phủ giải quyết tranh chấp thương mại, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang đe dọa tăng trưởng toàn cầu.
Cụ thể, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay từ mức 3,3% xuống 3,2%. Trong một tuyên bố, OECD nhấn mạnh các chính phủ cần hành động khẩn cấp để phục hồi tăng trưởng. Tranh chấp thương mại cần được giải quyết thông qua hợp tác quốc tế và cải thiện hệ thống dựa trên luật định quốc tế. Theo OECD, các nước cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số và kỹ năng nhằm đáp ứng các thách thức trong tương lai. Đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), OCED cho rằng chính sách cơ cấu và tài chính cần được kết hợp để thúc đẩy hoạt động.
OECD cho rằng còn nhiều điều chưa chắc chắn về thời gian áp thuế và tương lai mối quan hệ Mỹ-Trung. Tuy nhiên, trong dự báo mới nhất, OECD không tính những rủi ro này vào tăng trưởng kinh tế.