Nhân dân thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn mở đường lớn.
Nhiều năm nay, mảnh đất nhiều nắng gió Hà Tĩnh đã vươn lên trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT). GTNT đã trở thành bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh nhà.
Tuyến đường liên thôn ở xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà đang được mở rộng nhờ có sự hiến đất của người dân.
Sự thay đổi đó làm cho nhiều người con Hà Tĩnh đi làm ăn xa, vài năm khi trở về cảm thấy ngỡ ngàng, “lạc lối”. Từ những vùng quê miền núi, vùng sâu, vùng xa, hay miền biển, trung du, bán sơn địa, ở đâu trên mảnh đất Hà Tĩnh hôm nay cũng có nhiều đổi mới.
Đường liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm, giao thông nội đồng... đã cơ bản thay thế những con đường đất bé nhỏ, ngập trong “mưa bùn, nắng bụi”. Bạn tôi, quê Thạch Điền (Thạch Hà) về ăn tết phải bắt taxi dừng lại để hỏi đường vì... “răng đường độ ni to rứa...!”. Lạc cũng đúng thôi, bởi dẫn về những miền quê Hà Tĩnh hôm nay là những con đường có bề mặt bê tông rộng mở, xe ô tô cứ vào đến tận sân...
Huyện Lộc Hà tổ chức hướng dẫn kỹ thuật làm đường GTNT cho lãnh đạo các địa phương trong toàn huyện để đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ.
Cùng với những chính sách ưu tiên đầu tư của Trung ương, của tỉnh, phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm GTNT” tại Hà Tĩnh đã được các địa phương, mọi người dân hưởng ứng tích cực; tạo điều kiện, động lực cho phát triển KT-XH, bảo đảm QPAN, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Theo Sở GTVT, trong nhiều năm qua, Hà Tĩnh đã huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển GTNT và đạt được những kết quả cao. Năm 2018, các địa phương đã tích cực huy động sự đóng góp của nhân dân và tranh thủ nhiều nguồn lực đầu tư, từng bước mở rộng, nâng cấp các tuyến đường. Nhờ đó, mạng lưới GTNT đã có sự chuyển biến cơ bản về chất, nhiều tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa, tỷ lệ đường đất giảm dần, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương, làm giảm khoảng cách giữa nông thôn với thành thị...
Ngoài các nguồn đầu tư từ các dự án ODA (WB, ADB, CBRIP, JICA...), bằng nguồn ngân sách, phong trào toàn dân làm đường GTNT trên cơ sở Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí (khoảng 10-15%) đã thu được kết quả khá lớn. Năm qua, bình quân mỗi địa phương trong toàn tỉnh đã xây dựng được khoảng 70 - 80 km.
Một trong những tuyến đường GTNT vừa được xây dựng khá động bộ các hạng mục ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc.
Thống kê để thấy được kết quả thực hiện trong năm 2018 là rất đáng ghi nhận. Theo đó, toàn tỉnh đã nâng cấp mặt đường nhựa, bê tông 867,91 km (trong đó 680,76 km nhựa do dân làm, 187,15 km nhựa các dự án lồng ghép); mở mới 101,78 km đường đất; duy tu, sửa chữa 2.986 km đường GTNT; xây mới, sửa chữa 63 cầu bê tông cốt thép, 2.083 cống, 4 tràn các loại. Tổng kinh phí đầu tư năm 2018 là 754.993 triệu đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 139.670 triệu đồng, ngân sách huyện 64.152 triệu đồng, ngân sách xã 98.169 triệu đồng; nguồn đóng góp của người dân 299.235 triệu đồng; ngân sách Trung ương, các dự án, chương trình, khác 153.767 triệu đồng. Tổng số ngày công huy động cho phong trào làm đường GTNT là 7.642.947 ngày công. Hương Sơn, Thạch Hà, Cẩm Xuyên... là những điểm sáng trong phong trào làm GTNT cả nước. GTNT ở Hà Tĩnh đã thực sự đi trước một bước, tạo động lực cho sự phát triển chung của tỉnh nhà trong những năm tiếp theo...
Xuân Kỷ Hợi đã về trên những nẻo đường quê Hà Tĩnh, mang bao ước vọng của “ý Đảng - lòng dân”.