Nội - ngoại “cùng đua”
Từ đầu tháng 12/2016, siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh đã hoàn tất việc nhập hàng tết, đặc biệt là bánh kẹo. Nếu như năm ngoái, siêu thị dành 10 tỷ đồng cho mặt hàng bánh kẹo thì tết năm nay, con số này đã lên tới 15 tỷ đồng. Thời điểm này, người dân đến siêu thị mua sắm bánh kẹo đã khá đông và có sự chênh lệch giữa các mặt hàng mặc dù đã có sự kích cầu giảm giá 10-30% cho từng dòng sản phẩm.
Thị trường bánh kẹo phong phú, khách hàng có nhiều sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của mình.
Anh Trần Đình Chung - Tổ trưởng marketing, siêu thị Co.opmart cho biết: “Với phương châm “Tự hào hàng Việt”, dịp Tết Đinh Dậu, siêu thị có tới 80% bánh kẹo sản xuất trong nước. Tuy vậy, đã có sự phân định khá rõ trong kênh mua sắm của người tiêu dùng. Kẹo Việt Nam với các thương hiệu quen thuộc như Bibica, Hải Hà… vẫn được tiêu thụ mạnh do có sự thay đổi về mẫu mã, chất lượng. Tuy nhiên, bánh ngoại vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt là các dòng bánh của Đan Mạch, Pháp, Thái Lan, Ý… vì ngoài hương vị thơm ngon, hình thức lại sang trọng, phù hợp cho việc tặng quà tết”.
Tại phần lớn các cửa hàng tạp hóa hay siêu thị mini trên địa bàn tỉnh, hàng ngoại “áp đảo” hàng nội. Chủ cửa hàng Hiển Tuyến (phường Trần Phú - TP Hà Tĩnh) cho hay: “Phục vụ nhu cầu sắm tết của người dân, chúng tôi nhập về cả bánh kẹo sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu của nước ngoài, song tỷ lệ tiêu thụ của hàng ngoại vẫn nổi trội hơn hẳn. Đặc biệt là các sản phẩm kẹo xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia…”.
Chị Nguyễn Thị Hoài Thương (phường Trần Phú) cho hay: “Với chất lượng đảm bảo và hương vị đặc trưng, mấy năm nay, mình chọn kẹo Hàn Quốc để dọn tết nên cũng không mấy chú ý đến kẹo Việt, mặc dù giá cao hơn”. Thực trạng này cho thấy chất lượng cuộc sống ngày càng cao của người dân, tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, hiệu quả của việc tuyên truyền, vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” vẫn chưa thực sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Và hơn bao giờ hết, hàng Việt vẫn tiếp tục phải được cải tiến toàn diện để theo kịp trong “cuộc đua” này.
Hàng kém chất lượng vẫn hiện hữu
Thời điểm này, không khí mua sắm ở chợ TP Hà Tĩnh đã khá nhộn nhịp. Nhiều cửa hàng kinh doanh đã xuất hiện lượng lớn bánh kẹo đổ bì, bao nilon trong suốt, không có nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng được bày bán tràn lan với giá cả tương đối “mềm”, chỉ vài ba chục ngàn đồng/kg.
Tại chợ Hà Tĩnh, bánh kẹo không nhãn mác, nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan.
Khi hỏi về thông tin sản phẩm, nhiều tiểu thương thẳng thừng: “Có cầu ắt có cung! Nhiều người tìm mua bánh kẹo giá rẻ nên chúng tôi bán chứ không mấy quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Kẹo đắt tiền khó tiêu thụ nên cũng chẳng dám lấy”.
Tết Nguyên đán là cơ hội để các đối tượng lợi dụng trà trộn hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả…, đánh lừa người tiêu dùng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Do vậy, để xây dựng thị trường hàng hóa tết an toàn, chất lượng, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người dân, rất cần sự vào cuộc kiểm tra, giám sát mạnh mẽ, quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, trước sự bát nháo của thị trường, cần sự “nghiêm khắc” hơn của người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần thông minh tìm hiểu, cân nhắc để có thể chọn lựa cho mình dòng sản phẩm an toàn, chất lượng, mạnh dạn tẩy chay hàng hóa không đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ…