Người dân mua sắm vào tối 28 tết tại siêu thị Vinmart.
Trước tết, người dân mua sắm đông đúc tại chợ, cửa hàng bán lẻ, siêu thị và cao điểm là 2 ngày cuối cùng giáp tết. Các mặt hàng tiêu thụ mạnh như: hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh và hoa, quả, bánh kẹo, thực phẩm chế biến, cây cảnh…
Theo ghi nhận, trên thị trường, các loại bánh, mứt, kẹo… có mẫu mã phong phú, đa dạng, giá cả nhiều mức khác nhau. Nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh được nhiều người tiêu dùng lựa chọn ăn tết như: cam bù Hương Sơn, giò me Tiến Giáp, nem chua Ý Bình, dầu lạc Thắm An, nước mắm Lạch Kèn, nước mắm Phú Khương…
Trong khi giá thực phẩm tươi sống tăng nhẹ từ 10 - 15% thì nhiều mặt hàng bánh kẹo, đồ dùng được các siêu thị giảm giá để thu hút người mua.
Trước tết, tại các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, nhiều mặt hàng được áp dụng chương trình giảm giá sâu, thu hút người tiêu dùng mua sắm. Nhìn chung, thị trường hàng hóa trên địa bàn phong phú, đa dạng, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá bất hợp lý đối với hầu hết các mặt hàng phục vụ tết.
Một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tại chợ dân sinh như: thịt bò, gà, lợn, giò chả, hoa quả tươi... có tăng giá nhẹ từ 10 - 15% so với ngày thường. Riêng giá cau, trầu năm nay đắt gấp 2-3 lần so với tết những năm trước do nguồn cung hạn chế.
Sau tết, các mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh là rau xanh...
Sau khi nghỉ ngày mùng 1 tết, sáng mùng 2 Tết (13/2), một số cửa hàng, hộ kinh doanh… đã mở hàng lấy ngày đẹp kinh doanh trở lại. Những năm trước, hàng hoá đầu năm chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau xanh, còn những mặt hàng khác đa phần tiểu thương vẫn nghỉ bán. Tuy nhiên, năm nay ngày lễ tình nhân Valentine (14/2) trùng vào mùng 3 tết nên các tiệm hoa, quà phục vụ khách hàng dịp lễ này cũng mở bán sớm.
Chị Nguyễn Thị Hằng – tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Giá các mặt hàng thực phẩm như rau, thịt, cá sau tết cao hơn ngày thường khoảng 10% nhưng chỉ cao ngày mùng 2, mùng 3 do ít người bán, sau đó thì quay lại mức bình thường. Thông thường đến mùng 4, mùng 6 nhiều người mới mở hàng vì nhu cầu tiêu dùng của người dân chưa cao, chỉ có một số hàng thực phẩm là mở sớm. Chợ tết sức mua tăng so ngày thường nhưng giảm so với những tết trước. Có lẽ một phần là do dịch bệnh, người dân đi chợ không nhiều hoặc chỉ ra mua nhanh rồi về”.
... hàng thủy hải sản, các loại thực phẩm tươi sống.
Theo thông tin từ phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, với sự chuẩn bị nguồn hàng của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hàng hóa phục vụ dịp tết Nguyên đán năm nay đa dạng, lượng hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sức mua hàng dịp tết tăng mạnh so với ngày thường, không khí mua sắm khá sôi động từ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đến hoa, cây cảnh chơi tết.
Thời điểm sau tết, hoạt động mua bán chủ yếu tập trung vào thực phẩm tươi sống, các mặt hàng hoa, quả phục vụ cho việc dâng lễ đầu năm. Hoạt động mua bán hàng hóa vẫn còn ít do đầu năm người dân chủ yếu đi chơi tết.
Ngày lễ tình nhân Valentine (14/2) trùng vào mùng 2 tết nên các tiệm hoa, quà phục vụ khách hàng dịp lễ này cũng mở bán sớm.
Cùng với việc đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa, không để khan hàng sốt giá, công tác kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường cũng được các lực lượng chức năng chú trọng. Sở Công thương phối hợp với các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến cung - cầu, giá cả hàng hóa để điều tiết thị trường.
Lực lượng Quản lý thị trường bố trí lực lượng trực 24/24 chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng giả, kém chất lượng, các hành vi gian lận thương mại; trong đó, tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu như: bánh, kẹo, rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm đóng gói sẵn, thực phẩm tươi sống…