Bài viết là quan điểm của biên tập viên Shira Ovide, New York Times.
Có một sự thật là Mark Zuckerberg hiện nằm trong số những người quyền lực nhất thế giới. Điều đó khiến tôi thực sự khó chịu khi CEO của Facebook đánh giá sai lầm về ứng dụng của mình.
Trong một buổi phỏng vấn mới đây trên Axios của HBO, tỷ phú người Mỹ đã nhận được những câu hỏi mang tính hóc búa về công ty của mình như tại sao những bài đăng mang tính miệt thị lẫn nhau hoặc những bài đăng mang tính đả kích chính trị lại được chú ý nhiều đến vậy?
Cuộc sống nhìn qua “lăng kính” của Facebook có thể đem tới nhiều cảm xúc tiêu cực. Ảnh: Delcan & Company. |
Zuckerberg đã trả lời trên sóng chương trình Axios của kênh HBO rằng tính đoàn kết của người Mỹ đang bị chia rẽ, và đó là lý do khiến họ có những bài đăng như vậy trên Facebook.
Mark Zuckerberg và các lãnh đạo khác của Facebook luôn nói rằng ứng dụng này là một tấm gương phản chiếu xã hội. Ý họ là với hơn 1 tỷ người dùng, chắc chắn sẽ luôn xuất hiện cả những điều tốt và điều xấu.
Nhận xét đó đúng nhưng không đầy đủ khi cho rằng Facebook phản ánh thực tế xã hội. Thay vào đó, mạng xã hội lớn nhất thế giới này truyền tải những nội dung được chọn lọc, qua đó ảnh hưởng không nhỏ đến những gì mọi người nghĩ và làm.
Facebook thường xuyên đưa ra những cập nhật, thay đổi và chỉnh sửa để đạt được các mục tiêu của mình. Giờ đây, khi bạn sử dụng mạng xã hội này, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy ảnh một em bé xuất hiện trên News Feed thay vì một cảnh báo về thiên tai. Điều đó có nghĩa là Facebook đang tạo ra một thế giới riêng của mình, nơi mà một số vấn đề diễn ra ngoài đời không phải là mối quan tâm hàng đầu.
Không chỉ phản ánh cuộc sống bên ngoài, Facebook giờ đây còn có khả năng định hình sở thích lẫn hành vi của người dùng. Họ hoàn toàn có thể gợi ý cho một nhà phát triển game về cách thay đổi quảng cáo trên mạng xã hội để nhận được nhiều lượt tải hơn.
Mỗi năm, công ty của Mark Zuckerberg thu về hàng tỷ USD tiền quảng cáo cho những gì mà mọi người nhìn thấy trên Facebook hàng ngày. Cách họ chọn những thông tin được ưu tiên có thể ảnh hưởng đến niềm tin cũng như quyết định của khách hàng.
Facebook biết rằng họ có đủ khả năng để định hình niềm tin và hành động của chúng ta. Đó là lý do tại sao mạng xã hội này đã hạn chế những thông tin sai lệch về đại dịch Covid-19 và không cho phép mọi người bắt nạt lẫn nhau trên Internet.
Thuật toán của Facebook khiến cho chính Mark Zuckerberg cũng khó sửa chữa mạng xã hội này. Ảnh: AP. |
Vào tháng 5, một nhóm nghiên cứu nội bộ của Facebook đã kết luận rằng mạng xã hội khiến người dùng có nhiều hành vi trái ngược hơn. Đời sống xã hội tại Mỹ đang hứng chịu những chia rẽ sâu sắc, và Facebook cũng chịu một phần trách nhiệm cho việc này.
Vậy tại sao Mark Zuckerberg luôn nói rằng Facebook là một tấm gương phản chiếu của xã hội? Có thể đó là một cách trả lời mang tính đơn giản hóa các vấn đề của ông chủ Facebook.
Hiện tại, rất khó để kiểm soát các hành vi trái ngược hay những bài viết mang tính chia rẽ trên Facebook hoặc các mạng xã hội lớn khác. Mark Zuckerberg đã không thành thật khi nói rằng công ty của ông là người đứng ngoài cuộc với những hệ quả tiêu cực mà mạng xã hội đã gây ra.
Chắc chắn, vị tỷ phú người Mỹ này và cả chúng ta đều biết sức mạnh thật sự của Facebook.