Những ngày này, cơ sở của anh Hồ Văn Tiến nhận sửa trung bình trên dưới 10 chiếc điều hòa/ngày.
Huy động hết 3 cái quạt điện để làm mát trong buổi cơm trưa vẫn không làm gia đình anh Mạnh (Thạch Lưu - Thạch Hà) vơi đi cái nắng như đổ lửa của những ngày đầu tháng 6. Anh Mạnh than thở: “Trời thì nắng nóng, điều hòa lại giở chứng không mát, anh gọi khắp nơi mà 2 ngày nay chưa có thợ lên kiểm tra xem hỏng hóc thế nào”. Cũng chung tâm trạng, chị Hải (TP Hà Tĩnh) cứ đi ra, đi vào, sốt ruột bảo: “Chị phải hẹn mấy lần mới đặt được lịch có thợ đến sửa tủ lạnh. Thế mà, các chú ấy vừa gọi điện bảo xin muộn 30 phút vì đang sửa dở cho nhà khác. Đành chịu thôi em, những ngày này mà tìm được thợ là may lắm rồi”.
Đó là tình cảnh chung của nhiều gia đình vào đầu mùa hè khi máy móc làm mát cần bảo dưỡng ngày càng nhiều trong khi thợ sửa chữa lại ít. Có hơn 20 năm trong nghề, anh Hồ Văn Tiến - chủ cơ sở Tiến Hà (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Những năm gần đây, người dân sử dụng điều hòa đã trở nên phổ biến, vì vậy, công việc của thợ điện lạnh cũng ngày một nhiều hơn, trong khi đó, thợ theo nghề lại không nhiều. Vì vậy, thợ điện lạnh luôn là nghề “đắt sô” vào mỗi mùa nắng nóng. Ở quê ta, đây là nghề “làm một mùa, ăn cả năm”.
Trong những ngày đầu hè, nhóm thợ 3 người của cơ sở Tiến Hà làm không hết việc. Bên cạnh khách hàng là các gia đình, cơ sở còn có một lượng lớn các công ty, nhà máy đặt lịch sửa liên tục. Thông thường, giá bảo dưỡng, lắp đặt mới cho mỗi chiếc điều hòa từ 100.000 - 200.000 đồng, nạp gas tính thêm 200.000 - 250.000 đồng. Còn nếu sửa chữa và thay thế các thiết bị vi mạch, blốc, quạt…, khách hàng có thể phải chi tiền triệu. Tuy nhiên, theo nhiều người thợ, sau một năm sử dụng, nên vệ sinh, bảo dưỡng để kéo dài tuổi thọ điều hòa…
Với công suất làm việc liên tục trong những ngày này, mỗi người thợ của cơ sở Tiến Hà có thể thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Tuy làm không hết việc, thu nhập khá nhưng nghề sửa chữa điện lạnh vẫn rất “kén” người học và làm nghề.
Anh Quốc - chủ cửa hàng sửa chữa điện lạnh Quốc Nguyễn (đường Quang Trung - TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mặc dù có thu nhập khá nhưng nghề sửa chữa điện lạnh cũng rất vất vả và nhiều áp lực. Từ khi bắt đầu chớm hè cho đến hết mùa, gần như ngày nào thợ cũng phải chạy bở hơi tai để kịp các đơn hàng. Thời gian làm việc có khi không cố định mà phải tranh thủ những lúc khách hàng rảnh mình mới có thể đến sửa được. Thế nên, làm việc giữa trưa nắng hay đến tận đêm khuya đã trở nên khung giờ quen thuộc của anh em điện lạnh rồi”.
Sửa chữa điện lạnh cũng cần có “cái tâm” như nhiều nghề khác mới giữ được khách hàng lâu dài. Anh Hồ Văn Tiến cho hay: “Khi sửa chữa, nhất thiết phải nắm vững nguyên lý hoạt động và thành thạo về kỹ thuật để có thể “bắt bệnh” chính xác, qua đó, nhanh chóng xử lý, tránh mất thời gian, công sức cho cả thợ và khách hàng. Đồng thời, phải thật thà, tránh việc hư chỗ này lại “bốc thuốc” chỗ khác thì mới giữ được chữ tín với khách hàng…”.