Sinh ra tại vùng quê giàu truyền thống văn hóa, ông Trương Văn Hứa đã được ông cha truyền dạy những làn điệu hò chèo cạn. Chính vậy, ông luôn nhận thức được những giá trị văn hóa riêng của quê hương, niềm say mê những làn điệu dân gian cũng theo đó lớn dần trong ông.
Ông Trương Văn Hứa được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là nghệ nhân dân gian vào tháng 8 vừa qua
Theo ông Trương Văn Hứa, điệu hò chèo cạn đã thấm đẫm vào cốt cách, tâm hồn người dân vùng biển Cẩm Nhượng từ hàng trăm năm nay, được cha ông sáng tác trong thực tiễn lao động, sản xuất và truyền lại cho thế hệ sau.
Điệu hò chèo cạn đã thấm đẫm vào cốt cách, tâm hồn người dân vùng biển này từ hàng trăm năm nay (Ảnh: Hương Thành)
Để phát triển nét văn hóa đặc trưng này, ngay từ trước thời kỳ Pháp thuộc, cha của ông Trương Văn Hứa, tức cụ Trương Văn Học, đã tới nhiều miền biển khác như: Quảng Bình, Bình Định… để sưu tầm thêm những câu hò cổ về truyền dạy cho bà con ngư dân trong làng, thành lập đội hò chèo cạn Nhượng Bạn.
Tuy nhiên, trải qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh, tới năm 1954, đội hò bị giải tán, làn điệu truyền thống cũng mai một.
Ông Trương Văn Hứa luôn trăn trở về đội hò chèo cạn bị lãng quên
Trăn trở với những nét văn hóa đặc trưng của quê hương, năm 1987, ông Trương Văn Hứa bắt đầu công cuộc sưu tầm, khôi phục và truyền dạy hò chèo cạn.
Ông chia sẻ: “Sau hơn 30 năm làm thuyền trưởng thuyền đánh cá tại Hải Phòng, Quảng Ninh cho một xí nghiệp Nhà nước, tôi nghỉ hưu và về quê sinh sống. Lúc này, nhìn những nét văn hóa làng xã bị mai một, đặc biệt là đội hò chèo cạn bị lãng quên, tôi cảm thấy xót xa và quyết tâm khôi phục lại, thành lập đội hò mới, không để hò chèo cạn bị thất truyền”.
Ông thành lập đội hò chèo cạn mới do mình làm chỉ huy, tới tìm gặp trực tiếp các cụ cao niên, các đội viên của đội hò ngày xưa để ghi chép lại từng câu hò, từng cách luyến láy, ngữ điệu, cho tới động tác di chuyển của các thành viên trong đội hò.
Từng câu hò, từng cách luyến láy, ngữ điệu, cho tới động tác di chuyển được ông ghi chép lại cẩn thận
“Các cụ đều đã tuổi cao, nhiều cụ đã qua đời, sức khỏe yếu, trí nhớ kém nên tôi phải chịu khó đi lại nhiều lần. Có hôm cụ nhớ được đoạn này, ngày mai lại nhớ thêm đoạn khác. Phải mất rất nhiều thời gian mới có thể khôi phục lại được khoảng 40 câu hò cổ”, ông Hứa cho biết thêm.
Không dừng lại ở đó, ông Hứa cùng với một số cụ cao niên trong làng còn tiến hành dịch lời gốc của điệu hò từ tiếng Hán thành lời quốc ngữ để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận, dễ hát. Đồng thời ông còn sáng tác, lồng ghép thêm những câu hò mới với nội dung ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước, công ơn Đảng và Bác Hồ…
Tới nay, CLB Hò chèo cạn xã Cẩm Nhượng không chỉ nổi danh vùng biển Hà Tĩnh mà còn tham gia biểu diễn tại nhiều nơi, góp phần quảng bá nét văn hóa đặc sắc của quê hương. (Ảnh: Hương Thành)
Sau hơn 30 năm cống hiến với biết bao tâm huyết, Đội hò chèo cạn xã Cẩm Nhượng nay đã là CLB hò chèo cạn có tính quy mô, chuyên nghiệp. CLB không chỉ nổi danh khắp vùng biển Hà Tĩnh, mà còn tham dự và biểu diễn tại nhiều nơi, nhiều chương trình văn hóa lớn.
Với những đóng góp của mình trong gìn giữ, bảo tồn làn điệu hò đặc trưng của quê hương, ông Trương Văn Hứa đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen. Tháng 8 vừa qua, ông được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là nghệ nhân dân gian.
Hò chèo cạn là một thể loại sinh hoạt diễn xướng dân gian độc đáo, gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá voi của ngư dân vùng biển. Hàng năm, vào các ngày âm lịch: 8/4 lễ cầu ngư; ngày 12/8 và 25/10 ngày kỵ đức Ngư Ông, ngư dân làng Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên) tập trung về miếu Đức Ông tại thôn Phúc Hải để làm lễ tế và diễn xướng hò chèo cạn. Tài liệu ông Hứa có ghi về điệu hò: “Hôm nay tháng tám, mười hai Là ngày húy kỵ đại ngài Đức Ông Bà con ba vạn nức lòng Về đây hộ giá thuyền rồng rước ông”… |