Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã ký Tờ trình gửi Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về một số nội dung lớn của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), như: Bổ sung ngày nghỉ lễ, tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm, phạm vi và đối tượng điều chỉnh…
Về tuổi nghỉ hưu (Điều 169)
Theo Tờ trình, Chính phủ thống nhất với Báo cáo giải trình và phương án đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 466/BC-UBTVQH14 ngày 22/10.
Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH tiến hành rà soát bước đầu 1.810 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm làm căn cứ để xác định nhóm người lao động được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn.
Mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa (Điều 107)
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chính phủ đã có Tờ trình số 208/TTr-CP ngày 17/5/2019 về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa thêm 100 giờ từ 300 giờ/năm lên 400 giờ năm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến tại Báo cáo số 466/BC-UBTVQH14 ngày 22/10/2019 tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ
Trong Tờ trình, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội xem xét bổ sung một ngày nghỉ lễ là ngày 28/6 - Ngày Gia đình Việt Nam. Hiện nay, Luật Lao động quy định người lao động có 10 ngày nghỉ lễ được hưởng lương trong năm, nhưng các ngày này phân bổ không đều trong năm. Đặc biệt, khoảng thời gian từ tháng 5 tới tháng 9 hàng năm, chưa có ngày nghỉ nào.
“Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định trần làm thêm giờ tối đa theo tháng là không quá 40 giờ; đồng thời, quy định rõ trong luật các lĩnh vực, trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm, gồm: Dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử và trong những trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách không thể trì hoãn theo quy định của Chính phủ” - theo Tờ trình.
Giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường
Theo quy định hiện hành, thời gian làm việc bình thường là 48 giờ/tuần, trong luật cũng quy định khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
Qua báo cáo đánh giá sơ bộ của Bộ LĐ-TB&XH, hiện có 89,6% doanh nghiệp đang thực hiện tuần làm việc 48 giờ, 3,6% thực hiện 44 giờ, 6,8% thực hiện 40 giờ. Trong khu vực ASEAN, hầu hết các nước đều đang thực hiện tuần làm việc 48 giờ.
Phân tích của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, về góc độ kinh tế, nếu giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần thì tổng thời gian giảm là 208 giờ/năm (tương đương 8,4%); đánh giá sơ bộ cho thấy, tổng chi phí lao động tăng lên khoảng 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm đi khoảng 20 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm.
Điều quan trọng hơn là tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể giảm đi khoảng gần 0,5%, ảnh hưởng đến nỗ lực của chúng ta đang phấn đấu để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.
Theo dự báo của các chuyên gia, nếu muốn không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp thì Việt Nam phải phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%/năm.
Chính phủ cho rằng đây là vấn đề rất lớn, hệ trọng, liên quan đến nhiều chủ thể, bao gồm người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước và có tác động rất lớn đến năng suất, tăng trưởng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế, cần phải được nghiên cứu, đánh giá một cách rất kỹ lưỡng. Chính phủ chưa có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ và chưa trình việc giảm thời giờ làm việc bình thường tại thời điểm này.
Do đó, Chính phủ thống nhất cao với tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 466/BC-UBTVQH14, trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của Bộ luật hiện hành, đồng thời đề nghị bổ sung, quy định rõ trong luật.
Cụ thể: Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần; tăng cường cơ chế thương lượng tập thể về việc giảm giờ làm việc bình thường tại doanh nghiệp; giao Chính phủ, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 của dự thảo Bộ luật.
Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Chính phủ đồng ý việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), theo đó Bộ luật Lao động (sửa đổi) áp dụng đối với tất cả người lao động có quan hệ lao động và mở rộng áp dụng một số quy định của Bộ luật đối với người không có quan hệ lao động ở cả khu vực chính thức và khu vực phi chính thức.
Đây là nội dung đã được Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (Báo cáo số 03/BC-BST ngày 13/8/2019 của Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội).