5 vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều trong Bộ Luật Lao động sửa đổi

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 17 chương, 220 điều, trong đó có một số nội dung lớn còn nhiều ý kiến trái chiều.

5 vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều trong Bộ Luật Lao động sửa đổi

Các quy định về tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian làm thêm giờ đang còn nhiều ý kiến khác nhau. (Ảnh minh hoạ: Vietnam+)

Bộ Luật Lao động là một dự luật lớn, có tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến hàng chục triệu lao động, thu hút được sự quan tâm lớn.

Bàn thảo về dự án luật này tại nghị trường hôm nay, 23/10, các đại biểu đã đề cập tới 5 vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều gây tranh cãi mà ban soạn thảo đã phải đưa ra các phương án để Quốc hội lựa chọn.

Hai phương án mở rộng khung làm thêm giờ

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị giữ khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa như hiện hành là 300 giờ/năm; có ý kiến tán thành việc mở rộng lên 400 giờ/năm nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng cao, cần giảm thời giờ làm việc để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động. Dù vậy, Chính phủ vẫn mong muốn tiếp tục trình Quốc hội phương án tăng thời giờ làm thêm như đã trình tại kỳ họp thứ 7 để Quốc hội tiếp tục thảo luận. Do đó, dự thảo có 2 phương án quy định về thời gian làm thêm giờ.

Phương án 1 quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng ghi rõ nâng thời giờ làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200-300 giờ/năm để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ, bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của người lao động.

Phương án 2 là nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ. Quy định theo phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng, nhưng Chính phủ phải chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ, đánh giá tác động và bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.

Băn khoăn tuổi nghỉ hưu

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về quy định tăng tuổi nghỉ hưu so với hiện hành. Do còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, dự thảo đã đưa ra 2 phương án quy định về tuổi nghỉ hưu.

Phương án 1 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu là đủ 60 tuổi ba tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi bốn tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Phương án 2 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ. Kể từ ngày 1/1/2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Cần có đánh giá tác động về giảm giờ làm

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội và nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu để quy định người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần. Một số ý kiến đề nghị cần hết sức cân nhắc khi thay đổi quy định về thời giờ làm việc bình thường trong bối cảnh hiện nay và nên giữ như quy định hiện hành về tuần làm việc 48 giờ.

5 vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều trong Bộ Luật Lao động sửa đổi

Đại biểu Quốc hội biểu quyết. (Ảnh minh hoạ: Phương Hoa/TTXVN)

Việc giảm thời giờ làm việc bình thường là một vấn đề được sự quan tâm rất lớn của xã hội và tác động đối với tất cả các chủ thể liên quan, nhưng cơ quan soạn thảo chưa có đánh giá tác động toàn diện. Mặt khác, đề xuất này chưa nhận được sự đồng thuận của cơ quan soạn thảo và giới sử dụng lao động. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần có thêm thời gian để đánh giá tác động đầy đủ, cũng như cần có quá trình chuẩn bị, thích ứng của nền kinh tế.

Mặc dù không được đưa vào dự thảo, tuy nhiên đề xuất này là một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất xem xét, cân nhắc tại phiên thảo luận về dự thảo.

Sẽ có thêm 1 ngày nghỉ lễ?

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội và nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương nhưng không tán thành lựa chọn ngày 27/7 mà đề xuất chọn Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hoặc một ngày khác.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trưởng Ban Soạn thảo dự án Bộ luật xin rút đề xuất tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương là ngày 27/7 hàng năm sau khi Quốc hội thảo luận tại Hội trường tại Kỳ họp 7 về dự án Bộ luật và đề nghị “Giữ nguyên số ngày nghỉ lễ như hiện nay, không đề xuất thêm ngày nghỉ”. Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo Bộ luật và kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị bổ sung quy định về việc tăng thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với người lao động và chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6).

Tiếp thu các ý kiến, dự thảo quy định hai phương án nghỉ lễ, Tết: Phương án 1 là không bổ sung ngày nghỉ lễ ; Phương án 2 bổ sung một ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương và chọn ngày Gia đình Việt Nam (ngày 28/6 dương lịch).

Tổ chức của người lao động: Tránh chồng chéo với tổ chức công đoàn

Quy định “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” là vấn đề mới và khó, chưa có thực tiễn, do đó các đại biểu Quốc hội cho rằng cần hết sức thận trọng khi quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, thận trọng trong văn bản quy định chi tiết.

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần bổ sung quy định làm rõ hơn vai trò của tổ chức công đoàn và để tránh nhầm lẫn giữa tổ chức công đoàn với tổ chức của người lao động nằm ngoài hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam.

Một số ý kiến khác cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ việc cấp phép hoạt động và định hướng trong một doanh nghiệp chỉ nên có tối đa từ 2-3 tổ chức của người lao động, đảm bảo không tạo ra sự đối trọng, cạnh tranh không lành mạnh, làm phức tạp tình hình quan hệ lao động, gây mất ổn định tại doanh nghiệp. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong bộ luật việc cán bộ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở sử dụng thời gian trong giờ làm việc để làm nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động, không giao Chính phủ quy định về vấn đề này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần khẩn trương tập trung nghiên cứu toàn diện việc sửa đổi Luật Công đoàn đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới và đòi hỏi của người lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế./.

Theo Hồng Kiều (Vietnam+)

Chủ đề Lao động việc làm

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.
Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

Từ ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân mở thêm Phòng khám Nhi khoa do các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi trung ương đảm nhận. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhi khoa ban đầu" tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân gian đoạn 2019 – 2021.
5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.