Thông tin khách quan về vụ học sinh chết đuối ở Vũ Quang

(Baohatinh.vn) - Trước vụ việc cháu Phạm Thị Nhung, học sinh lớp 3A, Trường TH Đức Bồng (Vũ Quang) bị chết đuối trên đường đi học về, nhiều tờ báo đã đưa tin và kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng. Việc làm này là cần thiết, đúng với đạo lý của dân tộc và rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên một số bài viết phản ánh thiếu khách quan, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận…

Nguyên nhân cái chết đau lòng…

Khoảng 10h30’ ngày 25/9, cháu Phạm Thị Nhung ở xóm 6, xã Đức Bồng trên đường đi học về không may bị ngã rơi xuống suối dưới chân cầu Động. Do nước to, chảy xiết nên công tác ứng cứu không thành. Qua làm việc với chính quyền địa phương, tìm hiểu thực tế hiện trường và thu thập thông có liên quan cho thấy việc nhận định cháu Nhung chết do bị đói lả dẫn tới xỉu và rơi xuống nước là không có cơ sở, thiếu khách quan…

Lãnh đạo tỉnh, huyện Vũ Quang và đại diện một số sở, ngành đến động viên, thăm hỏi gia đình cháu Phạm Thị Nhung

Tại hiện trường nơi xẩy ra tai nạn cho thấy, giữa cầu và đường không bằng phẳng, có một vũng gồ ghề, đi qua đây rất dễ bị xóc, mất tay lái. Mở rộng tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, cháu nhung mới được hàng xóm tặng xe đạp mấy ngày nên đi chưa quen, dễ dẫn tới va vấp.

Chủ tịch UBND xã Đức Bồng Nguyễn Quốc Hùng cũng khẳng định: “Cháu mệt, nhà trường gọi gia đình ra đón về nhưng trên đường về thì bàn đạp của xe bị va vào thành cầu nên ngã lộn xuống suối. Thời điểm đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 nên nước to và chảy xiết; anh Phạm Văn Vân (bố cháu Nhung) không biết con bị rơi xuống nước, khi phát hiện lại xử trí chậm nên không cứu được cháu. Cháu Nhung chết là do sức khỏe yếu, vấp ngã và bị đuối nước chứ không phải do đói lả dẫn đến rơi xuống cầu như một số thông tin đã đưa trên các trang mạng.”

Chính quyền và các cơ quan chức năng đã có trách nhiệm

Qua tìm hiểu, hoàn cảnh gia đình anh Phạm Văn Vân và chị Lê Thị Quý (bố mẹ cháu) thực tế đang rất khó khăn nhưng không đến nỗi như cảnh “chị Dậu thời hiện đại”. Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã có sự quan tâm, chăm lo thiết thực đối với gia đình này.

Trưởng thôn Nguyễn Minh Lý cho biết: “Từ trước đến nay, gia đình cháu Nhung luôn được láng giềng, thôn xóm và chính quyền địa phương quan tâm. Anh Vân từ xã Hương Minh về đây ở rể, chỉ có 1 sào đất mẹ vợ cho, nhưng xét thấy hoàn cảnh khó khăn nên thôn đã linh động, bàn bạc chia cho gia đình anh thêm 3 sào để sản xuất. Tất cả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của cấp trên lúc nào cũng có, thậm chí còn được ưu tiên hơn. Riêng cháu Nhung được hưởng chế độ bảo trợ xã hội với mức hưởng mới tăng lên 360 ngàn đồng/tháng; được nhà trường miễn các khoản tiền đóng góp xây dựng trường và tiền may quần áo đồng phục”...

Căn nhà của anh Văn, chị Quý được xây dựng theo Chương trình 176

Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, tiếp cận với các loại hồ sơ liên quan, trong đó có phiếu khảo sát thu nhập hộ gia đình của thôn 6 cho thấy, tổng thu nhập của gia đình là 57.860 ngàn đồng/năm, thu nhập sau khi trừ chi phí sản xuất là 38.527 ngàn đồng/năm, bình quân đầu người đạt 535 ngàn đồng/người/tháng. Với mức thu nhập này gia đình anh Vân thuộc diện đã thoát nghèo.

Trưởng thôn Nguyễn Minhh Lý thông tin thêm: “Trước năm 2013 gia đình anh Vân thuộc diện hộ nghèo nhưng đến tháng 11/2013 thôn đã tiến hành rà soát lại hộ nghèo theo quy định thì gia đình anh Vân có mức thu nhập thuộc diện đã thoát nghèo, được mùa nên lúa đầy sập, trong nhà khi đó còn có xe máy, tivi và các trang bị, phương tiện cần thiết khác. Với điều kiện đó, đáng ra phải ở diện đã thoát nghèo nhưng vì con mới mổ tim, vợ chồng lại “không nhanh nhẹn” nên thôn đã họp bàn, thống nhất cho gia đình thuộc diện hộ cận nghèo và các chế độ chính sách có liên quan đều được thực hiện đầy đủ, kịp thời…”

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm, khi cháu Nhung còn sống, thông qua sự xâu nối, kêu gọi ủng hộ của Quỹ Bảo trợ trẻ em, cháu đã được phẫu thuật tim miễn phí ở mức 50 triệu đồng. Lúc cháu mất, lãnh đạo chính quyền địa phương, huyện đã kịp thời xuống động viên, chia sẻ với gia đình, cùng lo hậu sự cho cháu theo phong tục và gấp rút làm hồ sơ, thủ tục để sớm chi trả tiền mai tang phí.

Ngoài ra, căn nhà hiện gia đình anh Vân đang sống được làm theo chương trình 167, ngõ vào nhà mới được xã làm cách đây mấy năm, tất cả các thành viên trong gia đình đều được cấp thẻ BHYT. Căn nhà lá được được đăng tải trên các trang mạng truyền thông là nhà bếp của gia đình anh Vân.

Lời kết…

Việc cháu Nhung gặp tai nạn qua đời là mất mát, tổn thất không gì có thể bù đắp nổi đối với gia đình, người thân của cháu và sự động viên, chia sẻ kịp thời cả về mặt vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng là điều cần thiết, rất đáng trân trọng. Với hoàn cảnh hiện tại của gia đình, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành và toàn xã hội càng quý báu, góp phần động viên gia đình anh Vân, chị Quý vơi bớt nỗi đau, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, trong quá trình kêu gọi sự ủng hộ, chia sẻ, chúng ta không nên suy diễn, “nâng cao quan điểm”, phản ánh thiếu trung thực, nhận định thiếu khách quan... gây bức xúc trong dư luận, đánh giá sai sự nỗ lực, quan tâm của chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh dành cho người nghèo.

Ngay sau khi nhận được tin cháu Phạm Thị Nhung tử nạn, lãnh đạo UBND huyện Vũ Quang đã chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH và các phòng liên quan, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành xã Đức Bồng trực tiếp xuống thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình trong quá trình an táng và đưa cháu về nơi an nghỉ cuối cùng một cách chu đáo

Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND huyện và các phòng thuộc UBND huyện, lãnh đạo xã Đức Bồng đã đến thăm hỏi, trao số tiền hỗ trợ ban đầu 2 triệu đồng và giao UBND xã Đức Bồng cùng Ban cán sự xóm 6 giúp gia đình lo việc tang cho cháu Nhung.

Sở LĐTB&XH cũng đã chủ động phối hợp với địa phương trực tiếp thăm hỏi, trao quà hỗ trợ 2 triệu đồng của Sở, 10 triệu đồng của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho gia đình và tặng cháu Phạm Thị Tuyết (em gái của cháu Nhung) một số sách vở, đồ dùng học tập.

Trao đổi với chúng tôi, anh Vân đã tỏ thái độ không đồng tình với nội dung của một số báo đã đưa tin. “Thời gian qua, gia đình chúng tôi đã được cấp ủy, chính quyền hết sức quan tâm tạo điều kiện để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, kinh tế đời sống gia đình vẫn khó khăn, vất vả do vỡ kế hoạch sinh quá nhiều con. Riêng chuyện ra đi của cháu Nhung, trong đó có phần lỗi lớn của tôi do chủ quan không đi theo con nên mới sinh ra nông nỗi này” - anh Vân nói.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói