Thu sang

(Baohatinh.vn) - Sáng thức giấc, có cơn gió nào nhè nhẹ lướt qua mang theo chút se se lạnh, nắng dường như cũng ươm màu dịu nhẹ hơn. Con đường ta qua vương những chiếc lá ngả màu vàng lả lướt theo vũ điệu của gió rồi hờ hững đáp nhẹ xuống bên đường... Lòng thảng thốt, dường như thu đã về!

thu sang

Thêm một chiếc lá rụng, thế là thành mùa thu (Ảnh minh họa từ internet)

Tháng tám! Thu ngập ngừng ngoài ngõ, thu gõ cửa từng nhà, nhè nhẹ lay cành lá. Lẫn trong gió là hòa quyện mùi thơm của cây cỏ, đất trời. Là thơm thơm hương ổi chín đầu mùa, hương cốm ủ trong những lá sen đồng nội. Giờ này, ở quê, na vườn nhà cũng đã bắt đầu mở mắt, quả bưởi của bà đang chuyển sắc từ xanh sang vàng.

Thu sang. Khép lại cánh cửa mùa hạ, khép lại những râm ran tiếng ve kêu, khép lại một bầu trời đỏ rực hoa phượng, mở ra sắc vàng rực rỡ của hoa cúc, sắc trắng nồng nàn mà tinh khôi của hoa sữa... Mùa thu đến, chất chứa trong tâm hồn của mỗi người những cảm xúc riêng biệt. Điệp vàng, những tà áo trắng, tháng 8 mùa thu, những sắc vàng của nắng, những nhớ nhung trống vắng đang thổn thức nơi trái tim.

Tháng ngày này trời vẫn đổ mưa ngâu như lưu luyến điều gì quá đỗi. Nhưng, cơn mưa tháng tám chẳng vội vã mà cứ chầm chậm, lặng lẽ, dai dẳng như gửi vào đó những yêu thương, nhung nhớ của lứa đôi dành cho nhau.

Không rực rỡ như mùa xuân, không gay gắt, oi nồng như mùa hạ, không tàn tạ ủ rũ như mùa đông, mùa thu mang cái mơ hồ, nhẹ nhàng, bảng lảng. Tiết trời vào thu, lòng người cũng vì thế mà nhẹ nhàng hơn. Sắc thu phảng phất trên từng con phố, len lỏi mát lành trong tâm hồn mỗi người. Bước chân xuống đường, ta bỗng thấy mọi thứ trở nên đáng yêu và dịu nhẹ. Trái tim như xốn xang hơn và muốn dang tay ôm lấy cả đất trời, ôm lấy vạn vật vào lòng chỉ để yêu thương.

Mùa thu đến mang bao cảm xúc và thu cũng tinh tế bước vào tâm hồn của biết bao thi sỹ. Nếu nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng thảng thốt: “Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng chình qua ngõ/ Dường như thu đã về”, thì nhạc sỹ Trịnh Công Sơn lại hoài niệm về mùa thu Hà Nội với “Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ. Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu”, hay đầy tiếc nuối như Trần Hòa Bình “Thêm một chiếc lá rụng/ Thế là thành mùa thu”. Thu không chỉ ở cảnh vật, thiên nhiên mà thu còn chiếm cả lòng người: “Gió đưa xác lá bên đường/ Thu sang nhuộm cả sầu thương một trời/ Sầu thương quyện lấy hồn tôi/ Đêm qua ngồi đọc thơ người xa xăm” (Nguyễn Bính).

Trời vào thu. Người vào thu. Đất nước cũng vào thu. Một mùa thu mới rực rỡ nắng vàng, tràn đầy niềm tin và hy vọng. Ta không thể nào quên về một mùa thu đã xa. Đó là tháng tám mùa thu của 72 năm về trước, là mùa thu cách mạng với niềm kiêu hãnh, tự hào về một dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi).

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra trang sử mới của dân tộc. Cuộc cách mạng đó là mốc son chói lọi, hào hùng trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dựng và giữ nước của dân tộc. Cũng từ mùa thu lịch sử ấy, dân tộc ta được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Để rồi, cứ mỗi độ vào thu, những đứa trẻ lại náo nức khi mùa tựu trường đến, gặp lại thầy cô, bạn bè sau những ngày dài xa cách và để bắt đầu một năm học mới với biết bao điều mới mẻ.

Trong ký ức tuổi thơ tôi vẫn vẹn nguyên xúc cảm đẹp đẽ, tươi mới của ngày tựu tường đầu tiên. Mẹ dắt tôi đi giữa những náo nức, rộn rã cờ hoa, bên những đứa trẻ cũng nước mắt ngắn dài. Vương trên khuôn mặt ngây thơ, trong trẻo là chút gì vừa như sợ sệt, lại vừa háo hức. Ghi mãi trong tôi là ánh mắt vỗ về của mẹ, sự trìu mến, đong đầy yêu thương của cô. Mãi đến sau này, hình ảnh những em bé ngơ ngác ngày tựu trường đầu tiên của một sáng mùa thu mát trong vẫn luôn gây cho tôi những xúc cảm không thể nào quên.

Mùa thu cứ thế, dịu nhẹ đến, mang theo khúc giao mùa quyến rũ khiến lòng người thương nhớ khôn nguôi.

Đọc thêm

Vì sao phải đọc sách cùng con?

Vì sao phải đọc sách cùng con?

Ở thời hiện đại, rất nhiều người trẻ đắm chìm trong thế giới mạng, không hiểu được giá trị của sách truyền thống. Vậy, muốn con yêu sách thì người lớn cần phải truyền cảm hứng và làm tấm gương trước.
Văn hóa đọc trong thời đại số

Văn hóa đọc trong thời đại số

Có những người vẫn duy trì thói quen đọc truyền thống, nhưng cũng có nhiều người tiếp cận tri thức qua những phương tiện mới. Thay vì đọc sách giấy, họ tìm đến sách điện tử, audiobook...
Podcast truyện ngắn: Mùa trái dầu bay

Podcast truyện ngắn: Mùa trái dầu bay

Gió vẫn thổi. Trái dầu vẫn rơi từ thinh không, xoay tròn hai cánh chạm đất. Trái dầu có hai cánh nhưng gắn liền cùng một bầu. Hồi đó, trận đánh cuối trước giờ giải phóng cũng là mùa dầu bay ngợp trời đất này.
Tự do hay thiếu văn hóa?

Tự do hay thiếu văn hóa?

Những hành động xúc phạm Vua Hùng hay đùa cợt với hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trên mạng xã hội là những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, vô ơn, cần bị lên án và tẩy chay.
Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Và tôi, mỗi năm, lại lớn thêm một chút, lại nhớ thêm một phần - như thể cả ký ức của tôi đều nở mùa hoa xoan cũ…
Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Xa xa, trên con đường mòn sắp được mở rộng, những người nông dân đang trở về nhà từ cánh đồng vừa cày ải. Họ nhìn ra phía đồi chè. Dù chưa ai biết mai này sẽ ra sao, nhưng lúc này, chỉ lúc này thôi, tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Đọc thơ ông đã nhiều nhưng có dịp về thăm ngôi nhà của ông ở thôn Trần Phú, xã Thạch Trị (TP Hà Tĩnh), tôi mới thật sự hiểu vì sao giới văn nghệ Hà Tĩnh gọi Phạm Quỳnh Như là “thi sĩ của đồng quê”.