Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

(Baohatinh.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn từ ngày 16 - 18/11.

Trước khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo, giải trình về một số vấn đề mà nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.

thu tuong nguyen xuan phuc tra loi chat van dai bieu quoc hoi

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu giải trình tại Quốc hội trước khi trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thay mặt Chính phủ, tôi trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tâm huyết, trách nhiệm về các Báo cáo của Chính phủ và đã thông qua các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Tại Kỳ họp này, các vị đại biểu Quốc hội đã gửi 76 phiếu chất vấn đến các thành viên Chính phủ, trong đó có 6 phiếu chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Trong hơn 2 ngày qua, các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp trả lời chất vấn; 2 đồng chí Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Công an đã tham gia báo cáo, giải trình thêm tại Hội trường.

Đa số các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với 13/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, các chỉ số vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực; tạo không khí phấn khởi trong làm ăn kinh doanh và trong toàn xã hội; triển khai hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước được nâng lên.

Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội cũng lưu ý những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Chính phủ lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu và sẽ tập trung giải quyết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Sau đây, thay mặt Chính phủ, tôi xin báo cáo, giải trình về một số vấn đề mà nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.

Về cập nhật tình hình kinh tế - xã hội từ Phiên khai mạc đến nay: Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều chuyển biến tích cực hơn, tiếp tục khẳng định kết quả đạt được toàn diện như đã báo cáo Quốc hội.

Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành không chủ quan, theo dõi sát diễn biến tình hình, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, tận dụng cơ hội cuối năm để phát triển sản xuất kinh doanh và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 10 tăng 2,25% so với tháng 12/2016, bình quân 10 tháng tăng 3,71%. Các chính sách tài chính, tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế; vốn tín dụng tập trung cho lĩnh vực ưu tiên; thị trường chứng khoán vượt mốc 890 điểm, tiếp tục thoái vốn thành công tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 17%, 10 tháng tăng 8,7% (cùng kỳ tăng 7,3%). Tổng cầu phục hồi, thị trường phát triển tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,7%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,4%. Thu hút khách quốc tế vượt 10 triệu lượt, tăng trên 28%.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chống thất thu, nợ đọng thuế, bảo đảm thu ngân sách nhà nước và thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tốt các cơ hội mở rộng thị trường mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Tổng thu ngân sách lũy kế 10 tháng tăng gần 14% so với cùng kỳ. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tháng 10 đạt 20,29 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch 10 tháng đạt 174,5 tỷ USD, tăng 21,3%; xuất siêu 2,56 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân tiếp tục khởi sắc; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%; có trên 105 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 43,8% về vốn đăng ký và gần 23 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Chú trọng thực hiện tốt các chính sách phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đặc biệt, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga.

Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện. Ngân hàng Thế giới vừa công bố xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.

Về phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu: Từ đầu năm đến nay, nước ta đã chịu ảnh hưởng 13 cơn bão, 4 cơn áp thấp nhiệt đới, trong đó các cơn bão số 10, 12 cường độ mạnh kèm theo mưa lũ rất lớn. Nhiều thách thức mới đã nảy sinh đối với công tác phòng chống thiên tai, như bão xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong năm, đổ bộ vào những địa phương rất ít khi có bão; bão kèm theo mưa rất lớn trong thời gian ngắn gây ra lũ quét, sạt lở, uy hiếp an toàn đê điều, hồ đập. Trong năm nay, thiên tai đã làm 363 người chết, mất tích; hàng trăm nghìn ngôi nhà bị sập, hư hỏng; hàng trăm nghìn hec-ta lúa, hoa màu và hàng chục nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hàng nghìn tàu thuyền bị chìm và hư hỏng; ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động vào cuộc cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp phòng chống, ứng phó và khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất, đời sống. Khẩn cấp hỗ trợ lương thực, thuốc men cho đồng bào. Kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm và đề ra nhiều giải pháp cả cấp bách và dài hạn tập trung phòng chống thiên tai. Chính phủ trân trọng cảm ơn đồng chí, đồng bào cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, bạn bè quốc tế đã cùng chung tay chia sẻ khó khăn, mất mát, ủng hộ và giúp đỡ đồng bào vùng bị thiệt hại.

Tuy nhiên, công tác phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều hạn chế. Khả năng dự báo, năng lực ứng phó chưa đáp ứng yêu cầu. Việc điều hành liên hồ chứa còn bất cập. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, trong khi chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội. Một số địa phương còn chủ quan, chưa sâu sát, quyết liệt trong phòng chống, ứng phó.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung rà soát, hoàn thiện các chiến lược, cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó và thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hoàn thiện các quy hoạch, trong đó có quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo; tăng cường đầu tư trạm quan trắc khí tượng thủy văn tại các vùng có nguy cơ sạt lở cao. Củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, hồ đập, trước mắt tập trung khắc phục các sự cố trong đợt mưa lũ vừa qua. Tiếp tục đầu tư các khu neo đậu tàu thuyền; có phương án tránh trú bão cho các tàu vận tải. Huy động mọi nguồn lực để ưu tiên triển khai các công trình, dự án cấp bách; sớm hoàn thiện bản đồ phân bố dân cư gắn với phòng chống thiên tai.

Thực hiện hiệu quả Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng quản lý rủi ro thiên tai; rà soát, sắp xếp, chủ động di dời dân cư, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét, sạt lở ở miền núi, sạt lở bờ sông, bờ biển. Xây dựng chính sách tài chính phòng, chống thiên tai bền vững; trong đó có bảo hiểm rủi ro, xã hội hoá và khuyến khích đầu tư công trình phòng, chống thiên tai. Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai, bảo vệ tài nguyên, môi trường, kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi, lấn chiếm lòng, bờ sông, kênh rạch trái phép. Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực các cơ quan chức năng, bảo đảm hiệu quả, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương: Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Ban hành 14 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, tiến tới sử dụng mã số định danh cá nhân điện tử, bỏ sổ hộ khẩu giấy; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với trên 700 thủ tục hành chính. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với các bộ ngành, địa phương. Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân tại các Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của các bộ, ngành, địa phương được vận hành khá hiệu quả, riêng Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tiếp nhận trên 4.600 phản ánh, kiến nghị của người dân và gần 1.100 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Trong 2 năm qua, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 23 bậc, từ thứ 91 lên 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng vào nhóm đầu của các nước ASEAN.

Thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, từ năm 2015 đến nay đã tinh giản được trên 30 nghìn người. Tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý; đã xử lý nghiêm nhiều vi phạm.

Tuy nhiên, cải cách hành chính nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Tinh thần hành động quyết liệt đã được thể hiện rõ trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, "thờ ơ", đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, cửa quyền, vô cảm, chưa ứng xử, thực thi công vụ theo quy định; còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí gây bức xúc dư luận.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đến năm 2021. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết số 19, 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phấn đấu cải thiện căn bản các nhóm chỉ số còn thấp. Vận hành hiệu quả hệ thống tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị người dân, doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử; thực hiện và công khai minh bạch chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân.

Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu lực hiệu quả trên tinh thần xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân. Tiếp tục phân cấp, phân quyền hợp lý, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Thực hiện nghiêm Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2021, mỗi năm giảm ít nhất 2,5% biên chế trong cả hệ thống chính trị; bảo đảm nguyên tắc không thành lập mới tổ chức làm tăng biên chế, trừ trường hợp đặc biệt được lãnh đạo Đảng, Nhà nước phê duyệt chính thức.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, bảo đảm tính thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ; xây dựng văn hóa công sở và ý thức chấp hành các quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; triệt để phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Rà soát, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong từng cơ quan, đơn vị; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ và công tác cán bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm. Nghiên cứu, xây dựng phương án cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội phù hợp, trình Trung ương và Quốc hội.

Về giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Đồng bào dân tộc thiểu số là bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới nơi phên giậu của Tổ quốc. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo, đã ban hành và thực hiện nhiều chương trình, chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đạt được những kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên.

Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khó khăn, xuất phát điểm thấp, công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thách thức. Trên 30% hộ dân tộc thiểu số còn là hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc và miền núi chỉ bằng 44% bình quân chung cả nước.

Phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Chúng ta phải có trách nhiệm chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, không để đồng bào đứt bữa, ốm đau không được chữa bệnh, con em đến tuổi không được học hành…

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tập trung thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách giảm nghèo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trước hết, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các chương trình, chính sách hiện hành. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình 135 phát triển các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc rất ít người và Chính sách hỗ trợ người có uy tín… Đẩy mạnh thông tin truyền thông, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: y tế, giáo dục, thông tin, nước sạch, nhà ở và trợ giúp pháp lý. Quan tâm phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, mang bản sắc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là du lịch, dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng. Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Về đối ngoại và hội nhập quốc tế: Sau 30 năm đổi mới và 10 năm trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nước ta đã hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu; mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với các nước, thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Các hoạt động đối ngoại được chủ động triển khai; tổ chức thành công các chương trình đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tích cực tham gia, khai thác hiệu quả các khuôn khổ đa phương. Đặc biệt, ta đã đảm nhận thành công vai trò nước chủ nhà Năm APEC 2017, tổ chức chu đáo các hoạt động theo chương trình đề ra và đón Nguyên thủ một số quốc gia thăm cấp Nhà nước, đạt nhiều kết quả hợp tác chiến lược quan trọng. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 31 vừa diễn ra ở Philippines, ta đã chủ động, tích cực đóng góp và đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng. Qua đó, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam năng động, mến khách, nâng cao uy tín và vị thế của ta trên trường quốc tế.

Chúng ta đã ký kết, thực thi 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đang hoàn tất ký kết, phê chuẩn 2 Hiệp định và đàm phán 4 Hiệp định khác, trở thành một mắt xích ngày càng quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế khu vực, toàn cầu. Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng; hiện nước ta có quan hệ thương mại với trên 230 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết của WTO; vận dụng hiệu quả Cơ chế giải quyết tranh chấp để bảo vệ lợi ích chính đáng của ta. Đồng thời, tạo động lực thúc đẩy cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; góp phần tạo chuyển biến về tư duy và nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thế giới, khu vực và Biển Đông diễn biến phức tạp. Việc thực hiện các Hiệp định FTA chưa đạt kết quả như mong muốn, lợi ích thu được chưa tương xứng với tiềm năng. Năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, trình độ công nghệ của doanh nghiệp còn thấp, nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” là có thể xảy ra. Các ngành có lợi thế cạnh tranh, nhất là nông nghiệp, tiếp tục gặp khó khăn trước những rào cản thương mại, phải đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ. Việc tham gia và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế vẫn còn bất cập, thiếu đội ngũ chuyên gia, luật sư có khả năng tham gia tranh tụng quốc tế.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội về đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia; chủ động có những giải pháp phù hợp, kịp thời, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Phấn đấu đạt kết quả thực chất trong giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao. Phát huy vai trò và đóng góp của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương và hợp tác song phương.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh vận động chính trị, ngoại giao, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đàm phán các Hiệp định FTA; cùng các nước tích cực trao đổi, sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); thúc đẩy, sớm ký kết, phê chuẩn FTA với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế. Đẩy mạnh truyền thông, hỗ trợ hiệu quả, nâng cao năng lực hội nhập và xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; khuyến khích áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Chủ động phòng tránh, giải quyết hiệu quả các tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế.

Thành công trong đối ngoại, hội nhập quốc tế của nước ta thời gian qua có đóng góp quan trọng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và kiều bào ta ở nước ngoài. Thời gian tới, chúng ta tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân và tạo mọi thuận lợi cho kiều bào đầu tư kinh doanh, làm ăn tại Việt Nam, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.