Là giống cây lấy củ, nhiều tinh bột, thơm ngon, để khai thác, người dân phải đào hố sâu 3 - 4m.
Ông Hiệp sinh năm 1953, từng tham gia quân ngũ, nay là bệnh binh 2/3. Trước đây, ông Hiệp thường lên rừng đào củ mài về bán, nhưng sức khỏe ngày càng giảm nên ông nghĩ cách đưa cây khoai mài về trồng vì có giá trị kinh tế cao.
Nghĩ là làm, những năm 2010, 2011, ông bắt đầu lấy các loại hạt của cây khoai mài về trồng thử. Mất đến 6-7 năm, cây khoai mài mới được thuần như hiện tại.
Theo thời vụ, cây khoai mài được trồng từ tháng giêng âm lịch.
Vì để lấy củ, cây khoai mài khi trồng cần được phủ lá khô và làm choái.
Ông Hiệp nhớ lại: “Phải mất rất nhiều công sức mới thuần được cây khoai mài, có loại phải mất đến 1 năm mới nảy mầm. Sau nhiều lần thử nghiệm, chỉ có giống khoai dây xanh, lá xanh là nhanh nảy mầm, sớm cho củ. Bên cạnh đó, nếu trong tự nhiên, củ khoai mài mọc sâu (3-4m), đào rất vất vả. Vậy nên, tôi nghĩ ra cách trồng trong vỏ bao xi măng, củ khoai sẽ không đâm xuống sâu mà chạy ngang theo đáy bao”.
Ông Hiệp nghĩ ra cách trồng củ mài trong bao xi măng cũ để khắc phục nhược điểm củ mọc sâu xuống lòng đất.
Đến năm 2017, ông Hiệp bắt đầu trồng đại trà với số lượng 3.000 gốc. Mùa vụ của cây khoai mài kéo dài từ 10 tháng đến 1 năm, bắt đầu từ tháng giêng âm lịch. Sau khi gieo hạt, cần phủ lá khô và làm choái cho dây khoai leo lên. Trung bình mỗi gốc khoai cho thu hoạch 2-3 kg, cá biệt có củ nặng đến 7 kg. Giá bán tại vườn trung bình khoảng 50 nghìn đồng/kg. Đến cuối năm, gia đình ông Hiệp thu lãi hơn 150 triệu đồng, chưa kể tiền bán hạt giống.
Cây khoai mài được trồng bằng cách gieo hạt.
Theo ông Hiệp, cây khoai mài dễ trồng, ưa nắng, phù hợp đất đồi.
“Kể cả khi gieo từ tháng 11 (âm lịch) cũng phải đến tháng giêng hạt mới nảy mầm. Cho đến cuối năm, khi cây khoai rụng lá, héo dần thì vào chính vụ thu hoạch" – ông Hiệp cho biết.
Chỉ có giống khoai mài lá xanh, thân xanh mới có thể thuần để trồng đại trà.
Dù đến nay, chưa có nhiều người biết đến nhưng củ khoai mài vẫn dễ bán và được giá. Năm 2018, gia đình ông Hiệp trồng 2 vạn gốc khoai mài, hiện đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu lớn.
Hiện tại, ông Hiệp vẫn trăn trở, mong muốn nghiên cứu trồng được củ khoai thẳng hơn, trắng hơn để tạo mẫu mã đẹp. Đồng thời, mong có nhiều người cùng trồng củ mài nâng cao thu nhập, tạo giá trị hàng hóa lớn.
Ông Hiệp cũng không giấu nghề, sẵn sàng truyền kinh nghiệm cho người đến học hỏi. Người đến mua giống ngoài được hướng dẫn kỹ thuật, còn thường được tặng gốc khoai (trong mùa vụ) để ăn thử, đánh giá chất lượng.
Được trồng trong bao xi măng nên việc thu hoạch khoai mài không còn nhiều vất vả. Sau khi đào lớp đất mặt, chỉ cần dùng 2 móc thép nâng bao xi măng lên.
Trung bình mỗi củ khoai nặng khoảng 2 kg, cá biệt có thể lên đến 7 kg.
Được biết, khoai mài còn là một vị thuốc (trong đông y gọi là Hoài Sơn), dân gian thường lấy củ để chữa bệnh ra mồ hôi trộm cho trẻ em... Về chế biến, khoai mài có thể nấu chè, nấu canh xương hầm, hoặc luộc, hấp… Nhờ giá trị kinh tế lớn, cây khoai mài đang giúp gia đình ông Hiệp thoát nghèo, vươn lên làm giàu.