Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Báo Thanh tra
Năm 2020, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.199 cuộc thanh tra hành chính và 181.227 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 23.843 tỷ đồng và 830 ha đất.
Ban hành 90.193 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7.164 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 97 vụ, 99 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Toàn ngành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.465 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra; thu hồi và xử lý khác 9.143 tỷ đồng (đạt 67%), 148 ha đất (đạt 70%); đôn đốc xử lý 1.066 tập thể, 3.658 cá nhân; chuyển cơ quan chức năng khởi tố 12 vụ, 12 đối tượng.
Đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh theo dõi hội nghị.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm. Theo đó, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 384.435 lượt công dân (giảm 17,4% so với năm 2019); giải quyết 22.133 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 85,6%.
Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 894 tỷ đồng, trên 107 ha đất; trả lại quyền lợi cho 993 người, kiến nghị xử lý hành chính 503 người, chuyển cơ quan điều tra lý 3 vụ, 3 đối tượng.
Trong năm, ngành thanh tra tập trung triển khai khá đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng. Qua kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch tại 3.956 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện 55 đơn vị có vi phạm; tiến hành 2.421 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 374 vụ việc với 482 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 74 tỷ đồng.
Tham gia ý kiện tại hội nghị, đại biểu các địa phương, bộ, ngành đã thảo luận các nội dung: việc giải quyết, xử lý vi phạm; công tác phòng chống tham nhũng; thực hiện hiệu quả việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thanh tra...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành thanh tra và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ để tạo được sự chuyển động mạnh mẽ, tích cực và toàn diện hơn.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành cần bám sát, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra; tổ chức thực hiện công tác thanh tra có trọng tâm, hiệu quả, tránh chồng chéo.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại hội nghị Ảnh: VGP
Chỉ ra các tồn tại như: một số vụ việc tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, công tác tiếp dân của người đứng đầu một số địa phương chưa hiệu quả... Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trước mắt, thực hiện nghiêm túc, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, phục vụ công tác Đại hội Đảng lần thứ XIII và bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước và hướng dẫn thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn ghi nhận kết quả của ngành thanh tra Hà Tĩnh trong việc tiếp công dân, giải quyết khiểu nại, tố cáo... Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị toàn ngành triển khai kế hoạch thanh tra nghiêm túc; nội dung thanh tra không chỉ chú trọng thanh tra tài chính ngân sách và đầu tư xây dựng cơ bản mà phải kết hợp các cuộc thanh tra kinh tế xã hội với thanh tra trách nhiệm; tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng... |