Sáng 23/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025 (Ảnh TTXVN)
Ngành Tư pháp thực hiện tốt "mục tiêu kép" của Chính phủ
Năm 2020, Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã tham mưu trình Quốc hội thông qua 17 luật, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 968 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Tại các địa phương đã ban hành 3.186 văn bản QPPL cấp tỉnh.
Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng và Cục trưởng CụcThi hành án dân sự Văn Đình Minh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ tham dự.
Toàn ngành đã thẩm định 5.808 dự thảo văn bản QPPL; kiểm tra theo thẩm quyền 9.804 văn bản QPPL. Các bộ, ngành địa phương đã tổ chức 851.570 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp (giảm 13,3% so với cùng kỳ); phát miễn phí gần 65 triệu bản tài liệu tuyên truyền, PBGDPL (tăng 25% cùng kỳ). Các cơ quan đăng ký hộ tịch trên toàn quốc đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho gần 2 triệu trường hợp; đăng ký kết hôn gần 630 nghìn cặp.
Ngoài ra, các công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng… đạt nhiều kết quả tích cực.
Năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế - xã hội nói chung đã tác động lớn đến việc triển khai công tác, nhưng toàn ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm. Qua đó, thực hiện tốt “mục tiêu kép” của Chính phủ: vừa phòng chống dịch Covid hiệu quả, vừa triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh
Đánh giá về công tác tư pháp trong nhiệm kỳ 2016-2020 cho thấy, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng được hoàn thiện; công tác thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật đạt nhiều thành tựu. Nhiều hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được xã hội hóa mạnh mẽ; tổ chức bộ máy của ngành Tư pháp tiếp tục được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành đã làm rõ những khó khăn, hạn chế trong năm 2020 nói riêng và cả nhiệm kỳ 2016-2020 nói chung, như: Việc nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với một số dự án chưa có khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng; công tác PBGDPL còn phân tán; tình trạng chậm ban hành văn bản QPPL chưa được khắc phục triệt để; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính…
Bảo đảm hệ thống pháp luật Việt Nam đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, công khai, minh bạch, ổn định
Một trong những mục tiêu lớn toàn ngành Tư pháp đặt ra trong nhiệm kỳ 2021-2025 là bảo đảm hệ thống pháp luật Việt Nam đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, công khai, minh bạch, ổn định
Cùng đó là hoàn thiện thể chế về THADS, hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp. Chủ động phòng ngừa và tăng cường năng lực giải quyết tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động đầu tư quốc tế. Kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, ghi nhận những kết quả mà ngành Tư pháp đã đạt được trong thời gian qua.
Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp cần thường xuyên rà soát để tránh chồng chéo các văn bản pháp luật; không để tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng hệ thống văn bản pháp luật.
Đổi mới và cải cách mạnh mẽ hơn nữa hệ thống dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp; hình thành mạng lưới dịch vụ pháp lý rộng khắp, thuận tiện, tin cậy cho người dân, doanh nghiệp.
Đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.