Cửa hàng xăng dầu "trăm hoa đua nở" - nơi giảm doanh số, chỗ thua lỗ!

(Baohatinh.vn) - Hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở Hà Tĩnh hiện đang được xây dựng tràn lan, dày đặc, gây ra nhiều hệ lụy xấu như: không phát triển được doanh số bán hàng, thất thoát nguồn lực đầu tư, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng đường sá, ATGT, mỹ quan đô thị...

Cửa hàng xăng dầu “trăm hoa đua nở” - nơi giảm doanh số, chỗ thua lỗ!

Công ty TNHH Xăng dầu Dũng Hường vừa động thổ làm cây xăng mới tại thôn An Lộc, xã Thạch Châu.

Khoảng cách từ xã Mai Phụ đến cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà) chỉ khoảng 4km, nhưng trên đoạn đường này đã có tới 3 cơ sở kinh doanh xăng dầu. Vừa rồi, bất chấp sự phản đối của người dân, chính quyền địa phương, Công ty TNHH Xăng dầu Dũng Hường (có địa chỉ tại xã Phù Lưu, Lộc Hà) vẫn quyết tâm mở bằng được một cây xăng nữa tại ở thôn An Lộc, xã Thạch Châu.

Đáng nói, cây xăng này chỉ cách cây xăng của Công ty TNHH Hà Hải Châu (thôn Thanh Tân, xã Thạch Châu) khoảng 1 km.

Theo tính toán, mật độ dân cư các vùng phụ cận của các trạm xăng dầu nêu trên là vừa phải, không có nhiều doanh nghiệp sản xuất hay cơ sở vận tải sử dụng nhiều nhiên liệu, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu không lớn. Vì vậy, với số lượng 3 cây xăng như hiện nay đã là dư thừa. Thực tế, trên đoạn đường này đã từng có 2 cây xăng phải giải thể (1 ở xã Mai Phụ, 1 ở xã Thạch Châu), trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do doanh số bán hàng hạn chế, làm ăn thua lỗ.

Cửa hàng xăng dầu “trăm hoa đua nở” - nơi giảm doanh số, chỗ thua lỗ!

Dù nhiều năm liền đóng vai trò chủ đạo trên địa bàn nhưng thời gian gần đây, Cửa hàng Xăng dầu Thạch Hà (thuộc Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh) kinh doanh khó khăn vì mật độ cây xăng mới mở dày đặc...

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có có 218 cơ sở kinh doanh xăng dầu hoạt động. Con số này đang có dấu hiệu tăng bởi nhiều doanh nghiệp, tư nhân đang xin chủ trương, có ý định đầu tư vào lĩnh vực này. Trong số này có thể kể đến huyện Nghi Xuân có 26 cơ sở, Hương Sơn 22 cơ sở, Thạch Hà 20 cơ sở, thành phố Hà Tĩnh 18 cơ sở...

Nói về thực trạng đáng lo ngại này, ông Lê Văn Hùng - Cửa hàng trưởng Cửa hàng Xăng dầu Thạch Hà nhận định: "Cơ sở kinh doanh dày đặc sẽ khiến hàng khó bán, doanh thu giảm hụt, không có lợi nhuận, thậm chí là thua lỗ. Khi các cơ sở kinh doanh lâm vào thế bí thì rất dễ dẫn đến những việc làm không lành mạnh như vi phạm về chất lượng, ăn bớt, không đảm bảo an toàn cháy nổ, không đảm bảo quyền lợi người lao động. Đặc biệt, thiệt hại về kinh tế là vô cùng lớn bởi khi giải thể, cơ sở vật chất dùng để kinh doanh xăng dầu rất khó cải tạo để phục vụ cho các mục đích khác".

Cửa hàng xăng dầu “trăm hoa đua nở” - nơi giảm doanh số, chỗ thua lỗ!

Trạm xăng mọc lên như nấm nên việc phát triển thị trường, tăng doanh số là điều khó đối với mỗi cơ sở kinh doanh xăng dầu hiện nay (Ảnh: Nhân viên Cửa hàng Xăng dầu Cầu Phủ phục vụ khách hàng)

Hệ thống kinh doanh xăng dầu “trăm hoa đua nở” cũng đang ảnh hưởng đến doanh số, phương án kinh doanh của những đơn vị đang đóng vai trò chủ lực trên thị trường năng lượng.

Ông Trần Văn Chinh - Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu Cầu Phủ (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Nếu trước năm 2015, cửa hàng mỗi tháng bán trên 300m3 xăng dầu thì năm 2018 chỉ còn lại 180m3 và năm nay đang phấn đấu mỗi tháng đạt 170m3. Trước thực trạng này, chúng tôi buộc phải khoán sản phẩm và đề xuất phương châm “anh mạnh nuôi anh yếu” với công ty để đảm bảo thu nhập cho người lao động”.

Còn ông Võ Văn Tân - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh thì cho rằng: “Để kinh doanh có lãi, các cơ sở phải bán được 100m3/tháng trở lên, nhưng hiện nay có những cơ sở chỉ bán được 30 - 40m3/tháng. Vì vậy, nếu nhận thấy tình hình không khả thi thì các cấp, ngành vận động họ không nên mở thêm cửa hàng để tránh thua lỗ, gây thất thoát nguồn lực xã hội và ảnh hưởng đến các cơ sở kinh doanh khác".

Lý giải cho việc Nghi Xuân có mật độ cơ sở xăng dầu dày đặc nhất tỉnh, ông Nguyễn Thế Hải -Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nghi Xuân cho rằng: "Việc cấp phép cho các cửa hàng xăng dầu do các sở, ngành cấp tỉnh quyết định, chúng tôi chỉ phối hợp thực hiện một số vấn đề có liên quan. Mặt khác, việc mở các cửa hàng ở đâu, kết quả kinh doanh ra sao là quyền của nhà đầu tư, họ tự chịu trách nhiệm".

Cửa hàng xăng dầu “trăm hoa đua nở” - nơi giảm doanh số, chỗ thua lỗ!

Do hệ thống cơ sở kinh doanh xăng dầu dày đặc nên khi quan sát Cửa hàng Xăng dầu Xuân Hòa (ở thôn Song Long, Cương Gián, Nghi Xuân) trong vòng 2 giờ đồng hồ nhưng chúng tôi chỉ thấy có 5 người đi xe máy vào đổ xăng, nhân viên bán hàng lên võng nằm đợi khách (ảnh chụp lúc 14h ngày 19/8/2019)

Bà Phạm Thị Quế - Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: "Hệ thống cơ sở kinh doanh xăng dầu ngày càng nhiều là do các quy định được nới lỏng. Theo đó, nếu trước đây, tỉnh ta áp dụng Nghị định 84/2009 và Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì địa điểm mở cửa hàng phải phù hợp với quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nay quy định này và một số vấn đề có liên quan đã được bãi bỏ, tạo điều kiện "thoáng" hơn cho các doanh nghiệp, cá nhân khi tham gia vào lĩnh vực này".

Cũng theo bà Quế, theo Nghị định số 08 ngày 15/1/2018 về sửa đổi một số nội dung liên quan đến điều kiện kinh doanh xăng dầu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương thì hiện nay các chủ cơ sở chỉ cần xây dựng phương án kinh doanh, gửi hồ sơ đến Trung tâm Hành chính công tỉnh để các sở, ngành, địa phương có liên quan xem xét, đánh giá theo từng nội dung cụ thể thuộc từng ngành phụ trách; nếu đảm bảo thì sẽ được cho phép xây dựng. Điều này tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh xăng dầu nở rộ nhưng lại gây khó cho công tác quản lý nhà nước về các vấn đề có liên quan.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast