Nhà hàng chị Thu Hằng tạm thời đóng cửa phòng dịch Covid-19. (Ảnh: NVCC)
Tích cóp được ít vốn sau nhiều năm bươn chải ở châu Âu, vợ chồng chị Thu Hằng (sinh sống tại Cộng hòa Séc) quyết định mở nhà hàng. Hai ngày sau buổi khai trương, vợ chồng chị rụng rời khi nhận được thông báo yêu cầu mọi nhà hàng, quán ăn ở Séc tạm thời đóng cửa để phòng dịch Covid-19...
Sang châu Âu từ năm 2004, anh Mạnh Hùng (31 tuổi, chồng chị Hằng) đã có hơn chục năm gắn bó với nghề đầu bếp. Từ một cậu bé chạy bàn, giúp việc trong nhà hàng, bằng sự chăm chỉ, thật thà, anh được ông chủ quý mến, tạo điều kiện thử sức trong vị trí phụ bếp, rồi dần dần được tin tưởng giao làm bếp phó, bếp trưởng.
Nghiêm túc và dành nhiều tâm huyết với nghề, đầu năm 2020, sau khi cảm thấy đã thực sự tự tin với kỹ năng, kinh nghiệm của mình, anh Hùng cùng vợ bàn nhau hạ quyết tâm khởi nghiệp bằng việc mở nhà hàng đầu tiên do mình làm chủ.
Ngày 12/3, nhà hàng Viet Thai Food – “đứa con tâm huyết” của đôi vợ chồng quê huyện Nghi Xuân chính thức khai trương tại vùng Morava, Cộng hòa Séc. Nhà hàng có quy mô 5 nhân viên, chuyên phục vụ các món ăn Việt Nam và Thái Lan.
Buổi khai trương diễn ra thành công, tốt đẹp, hứa hẹn công việc kinh doanh sắp tới sẽ diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau, anh chị nhận được tin mọi nhà hàng, quán ăn tại Séc sẽ phải tạm dừng hoạt động trong 10 ngày, bắt đầu từ 6h ngày 14/3, để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
“Nhận được tin nhắn gửi về điện thoại, tôi không biết nên vui hay buồn. Lệnh đóng cửa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhà hàng. Tuy nhiên, sức khỏe là trên hết. Vợ chồng tôi bàn nhau, dù có phải chịu thiệt hại, nhưng cần nghiêm túc chấp hành mọi quy định, sát cánh cùng Chính phủ đầy lùi dịch bệnh”, chị Thu Hằng nói và cho biết tại Séc, đến nay, đã có hơn 400 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Không phải chịu cảnh đóng cửa nhà hàng như vợ chồng chị Hằng, song anh Uông Văn Hùng (sinh sống tại Moscow, Nga) cũng phải chứng kiến doanh thu từ chuỗi nhà hàng của mình sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Anh Uông Việt Hùng là chủ một nhà hàng và chuỗi bốn cửa hàng ăn nhanh ở Nga. (Ảnh: NVCC)
Anh Hùng là chủ của một nhà hàng và chuỗi bốn cửa hàng ăn nhanh chuyên phục vụ các món ăn Việt Nam tại “xứ Bạch Dương”. Chàng trai quê huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho hay, kể từ khi Nga ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, người dân khá hoang mang và có sự cảnh giác cao hơn để đề phòng dịch bệnh.
“Tất cả nhà hàng, cửa hàng của tôi đều đặt tại Moscow, trong khi thủ đô của Nga đã ghi nhận hơn 50 ca nhiễm SARS-CoV-2. Do lo ngại, người dân thường tránh tụ tập nơi đông người và ăn uống bên ngoài. Điều này khiến tình hình kinh doanh của tôi gặp khó”, anh Hùng nói và cho biết, kể khi dịch bệnh bùng phát, doanh thu từ chuỗi nhà hàng anh quản lý giảm từ 50 - 60% so với trước đây.
Đông đảo thực khách ghé đến nhà hàng của anh Hùng ở Moscow, Nga những ngày trước dịch Covid-19. (Ảnh: NVCC)
Ông chủ trẻ sinh năm 1989 thông tin: cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn cung hàng hóa tươi sống từ Việt Nam sang Nga không còn ổn định như trước, giá thành tăng lên, trong khi chủ kinh doanh không dám trữ hàng số lượng lớn vì không biết sắp tới nhà chức trách có ra lệnh đóng cửa các nhà hàng, quán ăn để phòng dịch hay không.
Doanh thu sụt giảm mạnh, để duy trì hoạt động của các nhà hàng, anh Hùng buộc phải giảm giờ làm, giảm lương của nhân viên để cầm cự. “Cũng may các nhân viên của tôi đều hiểu được tình hình, thông cảm với nhà hàng”, anh Hùng nói.
Tình hình kinh doanh tại Tây Âu cũng không khả quan hơn khi giới chức Pháp đã ra quyết định yêu cầu người dân ở nhà, đóng cửa quán cà phê, nhà hàng, rạp chiếu phim, quán bar và những cửa hàng khác trừ những điểm kinh doanh mặt hàng quan trọng như thuốc, nhu yếu phẩm, xăng dầu nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng.
Quyết định trên được Thủ tướng Pháp Edouard Philippe công bố ngày 14/3. Lệnh ngưng hoạt động bắt đầu có hiệu lực một ngày sau đó, việc mở lại sẽ tùy tình hình dịch bệnh.
Phan Thị Thủy đi chơi ở Pháp những ngày trước khi xảy ra dịch. (Ảnh: NVCC)
Phan Thị Thủy là du học sinh của Trường Đại học Incom Sup ở Thủ đô Paris. Ngoài thời gian học, cô gái trẻ quê huyện Nghi Xuân cũng đi làm thêm tại một nhà hàng Việt Nam để kiếm thêm thu nhập. Mới sang Pháp được nửa năm nhưng hiện tại Thủy đang phải tự nhốt mình trong nhà do lệnh hạn chế ra đường của nhà chức trách nước này.
“Trường học và chỗ làm đều đóng cửa để phòng dịch. Mọi người được khuyến cáo ở yên trong nhà, nếu ra ngoài phải cung cấp lý do chính đáng. Người vi phạm quy định này có thể bị phạt tới 150 USD”, Thủy nói và cho hay đã tích trữ đủ thức ăn dùng trong nhiều ngày để tuân thủ quy định của nhà nước.
Không thể đi làm, Thủy đành phải nhờ đến sự hỗ trợ tài chính từ gia đình trong những ngày “bão dịch” hoành hành ở châu Âu.
Tại Đức, cuộc sống của người dân cũng bị ảnh hưởng không nhỏ vì tình hình dịch bệnh. Anh Lê Hồng Luân (35 tuổi, quê huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết đã có hơn 10 năm sinh sống ở Trung Âu nhưng chưa bao giờ chứng kiến dịch bệnh nào diễn biến phức tạp như Covid-19.
Gia đình anh Luân sinh sống ở thành phố Magdeburg, Đức. (Ảnh: NVCC)
Vì dịch bệnh, các con của anh Luân hiện đang tạm thời phải nghỉ học. Do vợ không thể sắp xếp được công việc để nghỉ phép, anh Luân đành phải tạm gác lại việc làm ở xưởng cơ khí, ở nhà trông con.
“Nếu như trước đây cả gia đình tôi thường cùng nhau đi siêu thị thì giờ đây tôi hạn chế cho các cháu ra đường để đảm bảo an toàn. Mỗi tuần một lần, tôi ra ngoài mua nhu yếu phẩm cần thiết cho cả gia đình. Mỗi sáng đọc báo thấy tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp lại càng lo hơn. Chỉ mong bằng ý thức của mỗi người dân, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi”, người đàn ông quê huyện Can Lộc nói.